[Giao lưu ra mắt sách “Góc nhìn Alan”] Khát vọng 2035 và 8 bài học kinh doanh từ TS.Alan Phan

Vừa qua, ngày 21/05/2016 tại rạp Kim Đồng, Hàng Bài, Hà Nội, Think Markus cùng đối tác Happy.live tổ chức thành công buổi giao lưu ra mắt cuốn sách “Góc nhìn Alan – dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu”. Đây cũng là cuốn sách cuối cùng mà TS. Alan Phan chắp bút trước khi mất, được gia đình và nhóm biên tập trân trọng gửi tới bạn đọc.

_MG_9637

Theo anh Nguyễn Việt Dũng – trưởng nhóm biên tập sách Góc nhìn Alan và cũng là MC của chương trình: Buổi giao lưu là cơ hội để mọi người thấy 1 khía cạnh khác rất “đời” của tiến sĩ Alan, hay để chia sẻ bài học từ tiến sĩ qua góc nhìn của những người trong nhóm biên tập sách, và đồng thời cũng là người thân, người bạn, người học trò bên cạnh ông. Đó là: chị Melissa Mai (vợ TS. Alan Phan), Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TW), anh Nguyễn Quý Lâm (trưởng ban biên tập tạp chí Doanh nhân) và anh Phạm Lê Thái (giám đóc Marketing ngành hàng sữa chua Vinamilk).

I. Chị Melissa Mai – vợ TS. Alan Phan

1

Làm bạn đời của tiến sĩ từ ngày còn quá trẻ mới chỉ có 20 tuổi, đến giờ gần 7 năm đã trôi qua, chị Melissa tâm sự: “Sinh thời Alan Phan là người dành rất nhiều tâm huyết cho giới trẻ”, chị vẫn luôn ghen tị vì “phân nửa số thời gian anh dùng để viết bài, tìm những bài mới đăng lên Góc nhìn Alan, hoặc đi thỉnh giảng ở các trường đại học, câu lạc bộ doanh nhân, hay doanh nghiệp…”. Chị nhớ có lần đã hỏi: “Đất nước Việt Nam này đã làm gì cho anh mà em thấy anh luôn trăn trở qua từng bài viết?”. TS. Alan cười rằng đó cũng là câu hỏi mà ông chưa trả lời được, có lẽ bởi “dòng máu Việt Nam luôn chảy trong người”, hoặc ông là 1 “ông già kỳ quặc như nhiều người vẫn thường nói”.

Động lực thôi thúc TS. Alan làm việc đến những ngày cuối cùng khi lâm trọng bệnh là: “Nếu đã sinh ra là 1 con người thì đừng bao giờ phí phạm cơ thể và bộ não của bạn”. Ông chưa bao giờ dạy chị Melissa cách kinh doanh mà chỉ dạy cách sống, cách làm người có tâm.

II. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TW

Lần đầu tiên gặp Alan Phan, TS. Thành bị ấn tượng bởi ánh mắt “sâu sắc và tinh quái, pha thêm chút phớt đời”. Góc nhìn của Alan Phan cũng như vậy, rất “lạ và sắc”. Đằng sau cái nhìn của ông không phải là sách vở khô khan mà là những bươn trải với cuộc đời, những thành công và cả những thất bại. Nếu miêu tả Alan trong vòng 3 từ thì đó là: thẳng thắn, sâu sắc và chân thành.

2

Phần chính của bài chia sẻ, TS muốn đem đến cho khán giả cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam và báo cáo 2035 theo góc nhìn Alan Phan. Như anh Nguyễn Việt Dũng đã trình bày từ trước thì 20 năm là 1 cột mốc quan trọng trong đời người, trong con đường phát triển của mỗi doanh nghiệp hay của cả đất nước. Ví dụ như với mỗi con người, 90% thu nhập được hình thành trong giai đoạn 40 – 60 tuổi, còn từ 20 – 40 tuổi chủ yếu là thời kỳ để chúng ta học tập, tích luỹ kiến thức. Còn với đất nước ta, cột mốc 20, khát vọng 2035 có ý nghĩa như thế nào?

Trải qua 4000 năm lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đất nước ta có những giai đoạn vô cùng trăn trở và đau đớn nhưng cũng có những thời kỳ vô cùng rạng danh. Đầu thế kỷ 19, nền kinh tế Việt Nam ta đã từng được đánh giá là khá có vị thế, “đứng thứ 5 Đông Nam Á, lớn hơn cả 1 số nước láng giềng mà bây giờ hơn chúng ta cộng lại”Khát vọng 2035 trong cuốn sách là ngọn lửa thôi thúc thế hệ trẻ Việt Nam hành động. Bởi “chúng ta hoàn toàn có thể làm được, không những bằng giai đoạn đó mà còn làm được điều Bác Hồ đã nói ngay từ khi dân tộc ta còn đang chiến đấu với “giặc đói, giặc dối” là “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Với 6 lực chuyển kinh tế được đề cập trong sách, khát vọng 2035 theo TS. Alan là hướng tới 1 đất nước Việt Nam “thịnh vượng, sáng tạo, bền vững và dân chủ”. Cụ thể hơn, trong giai đoạn từ 1986 đến nay, chúng ta đã làm được 3 bước chuyển mình quan trọng đó là: Thứ 1, từ nền kinh tế nghèo chuyển thành nền kinh tế có nền thu nhập trung bình thấp. Con số 70% người Việt Nam sống dưới mức nghèo khổ đến nay chỉ còn 5 đến 6%. Thứ 2, từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp là chủ yếu (trên 80%) đến nay nông nghiệp chỉ còn chiếm 17, 18% GDP, còn lại là công nghiệp và dịch vụ dù giá trị gia tăng chưa thực sự cao. Thứ 3, xét về tỷ trọng thương mại trên GDP và vai trò của FDI trên GDP, chúng ta từ 1 nền kinh tế đóng cửa đã trở thành 1 trong những nền kinh tế mở nhất trong số các nước đang phát triển.

Vậy tầm nhìn của chúng ta đến năm 2035 là gì? Đó là Việt Nam từ 1 nền kinh tế trung bình thấp trở thành trung bình cao, giá trị gia tăng cao hơn dựa vào năng suất, công nghệ nhiều hơn chứ không phải dựa vào tiền hay tài nguyên ném vào. Từ 1 nền kinh tế chỉ chăm lo xoá đói giảm nghèo hướng tới 1 nền kinh tế với mức thu nhập cao hơn, hướng tới xã hội trung lưu, đảm bảo phúc lợi xã hội tốt hơn cho người già. Một nền kinh tế quan tâm nhiều hơn đến môi trường, màu xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, hài hoà với xã hội và chất lượng cuộc sống. Đó cũng chính là mong đợi của báo cáo 2035 trong cuốn sách Góc nhìn Alan.

III. Anh Nguyễn Quý Lâm, trưởng ban biên tập tạp chí Doanh nhân

Là trưởng ban biên tập tạp chí Doanh nhân, Anh Lâm chia sẻ: “TS. Alan Phan có 1 góc nhìn độc và lạ, và báo chí thì luôn tìm kiếm những góc nhìn như thế để được nhiều bạn đọc quan tâm. Đó cũng là động lực khiến tôi đã thuyết phục anh bằng được để cộng tác với tạp chí Doanh nhân vào thời điểm anh Alan mới về nước”. Tầm nhìn của tiến sĩ là tầm nhìn của 1 con người đã hơn 45 năm bươn chải trên khắp các thị trường khốc liệt như Mỹ, Trung Quốc… Và “Những gì xảy ra hôm nay ở Việt Nam, đâu đó trên thế giới họ cũng đã chứng kiến hết rồi”.

3

Chia sẻ về quá trình biên tập sách Góc nhìn Alan, anh Lâm nói: “Cái khó nhất mà chúng tôi gặp phải chính là làm sao để vẫn giữ được cái hồn, cái sâu sắc, cái châm biếm của Alan. Lý do là bởi 1 bài viết trước khi lên sách sẽ bị qua rất nhiều lần kiểm duyệt khắt khe”. Ví dụ như bài viết về thị trường bất động sản nước ta hồi 2013 với quan điểm “drop dead” được cho là công kích bầu Đức của TS. Alan. Tuy nhiên, thật may mắn bài viết đó cuối cùng cũng đến tay bạn đọc 1 cách khá trọn vẹn trong cuốn sách.

Tương tự, nếu mọi người theo dõi truyền thông gần đây thì đều nắm được câu chuyện ngân hàng nhà nước chuẩn bị trình lên thủ tướng chính phủ quyết định giải cứu Hoàng Anh Gia của bầu Đức. Dù rất nhiều ý kiến khác nhau và chưa bàn ai đúng ai sai, quan trọng hơn, TS. Võ Trí Thành khuyên rằng: “Đã tranh luận khoa học thì chỉ dùng lập luận để nói chuyện với nhau chứ đừng nên công kích cá nhân”.

IV. Phạm Lê Thái (Giám đốc Marketing ngành hàng sữa chua, Vinamilk)

Phần chia sẻ cuối cùng trong buổi giao lưu là của 1 người học trò đã theo TS. Alan Phan gần 6 năm: Anh Phạm Lê Thái, hiện đang là giám đốc Marketing của Vinamilk. Anh Thái kể lại ơn tri ngộ với TS. Alan: “Mình vào Sài Gòn vào năm 2006 làm cho Vinamilk. Thời điểm chứng khoán đại phát năm 2006, 2007, mình đang có 50 triệu để đầu tư và con số đó nhanh chóng trở thành 3 tỷ. Lúc đó mình nghĩ mình là thiên tài, thực sự luôn. Mình sắp từ 3 tỷ thành 30 tỷ, rồi thành triệu phú đô la đến nơi rồi.” Thế là anh Thái rút 2 tỷ đầu tư mở quán café trên đường Phan Đình Phùng, Tp. Hồ Chí Minh. 3 tháng đầu làm ăn vẫn rất thuận lợi, nhưng rồi do quy hoạch lại đường, do nhiều yếu tố khác mà việc kinh doanh lụi bại dần. Kết hợp với suy thoái chứng khoán vào thời điểm đó nên 1 tỷ còn lại của anh chỉ còn 70 triệu.

4

Trước những thất bại đó, anh Thái quyết định “tầm sư học đạo”. Anh tìm kiếm rất nhiều rồi tình cờ đọc được bài “Sao quê hương mình già nua đến vậy” của TS. Alan rồi tìm hiểu tiểu sử của tiến sĩ với 4 lần thất bại nặng nề tại cả thị trường Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc, có tổng thiệt hại lên tới gần 900 triệu đô la. Anh nghĩ bụng: “Ông này đúng người Việt, ông này thất bại nhiều lần quá. Vậy ông này làm thầy mình chắc được”. Rồi anh ra sức tìm cách để gặp được tiến sĩ và cuối cùng đã được làm trợ lý của ông thay thế cho trợ lỹ cũ vừa đi Mỹ.

“Mình mất có 1, 2 tỷ, ông mất vài trăm triệu đô la vẫn cười hề hề, vẫn đứng nói 1 cách rất thẳng thắn và chân thành… Điều đó đã trở thành niềm cảm hứng lớn cho tôi cùng ban biên tập ra mắt cuốn sách này”. Nhân đây, anh Thái chia sẻ 8 điều mà anh học được từ TS. Alan:

  1. Dự đoán: Đầu tiên và quan trọng nhất, phải đoán biết được những điều sẽ xảy ra trong vòng 5 năm, 10 năm, 20 năm tới (anticipation skills).

VD: Thất bại của Microsoft và Intel phải cắt giảm 20.000 công nhân trên toàn thế giới, vì 10 năm trước không tin điện thoại cảm ứng sẽ phát triển. Hoặc thành công của Samsung khi bắt kịp xu hướng, làm ra màn hình LCD tốt nhất hiện nay và cạnh tranh được với Apple. Còn Việt Nam chúng ta đang tăng trưởng với tốc độ 6% 1 năm, với cách tính theo lãi suất kép và quy tắc 72, thì chúng ta mất 12 năm để gấp đôi tổng tài sản của đất nước này 1 lần. Hay nói cách khác, trong vòng 12 năm tới, chúng ta sẽ làm ra 1 khối của cải bằng cả 4000 năm lịch sử dân tộc mình làm ra.

Anh Thái giải thích vì sao việc dự đoán xu hướng lại quan trọng đến vậy: “Các anh biết bơi, các anh cứ bơi ngược dòng thì dù anh có là kình ngư cũng sẽ bị lũ cuốn trôi mất. Còn tôi chỉ là Phạm Lê Thái thôi, người bình thường thôi nhưng tôi cứ bơi theo dòng nước chảy như vậy rồi tôi cũng đến được thành công.”

  1. Hành động ngay“Các bạn đến nghe buổi hôm nay rất thích, đọc cuốn sách có thể thấy rất hay nhưng nếu không hành động ngay thì cũng sẽ không làm được gì”
  2. Luôn kiếm tìm chuẩn mực để vươn tới (Benchmarking)
  3. Hành động bền bỉ: TS. Alan sinh thời vẫn luôn chia sẻ với sinh viên rằng: “Các bạn phải làm 1 cái plan thật chi tiết, phải sống với nó, thở với nó.” Ngoài ra, hãy dùng tiền người khác đầu tư chứ đừng nên dùng tiền của chính mình, của bố mẹ hay vay mượn thế chấp mà có được. Bởi nếu bạn giỏi, bạn có kế hoạch hấp dẫn, bạn phải thuyết phục được người khác đầu tư cho mình. Nếu không ai chịu đầu tư thì bạn nên xem lại ý tưởng của bạn.
  4. Phải có sức khoẻ
  5. Sáng tạo: Kinh doanh của Việt Nam hiện nay đang giống với bài thơ “Cây xăng” mà mọi người vẫn share. Tức là thấy người ta bán cái gì thì mình làm hệt như vậy nhưng giảm giá đi 1 chút. Chính cách làm ấy đang giết dần sự sáng tạo trong kinh doanh của chúng ta.
  6. Thay đổi: Dám thay đổi và luôn luôn thay đổi
  7. Đức tin: Nếu đọc trên góc nhìn Alan, chúng ta sẽ thấy tiến sĩ có niềm tin tuyệt đối vào thượng đế. Người Việt Nam mình có tính “không tin ai cả”. Tuy nhiên đức tin là 1 yếu tố rất quan trọng mà anh Thái học được từ TS. Alan. “Có thể bạn tin Chúa, tin Phật, tin Thượng Đế… tin ai cũng được, nhưng bạn phải có đức tin để thành công.”

Kết thúc phần thuyết trình của mình, anh Thái gửi đến tất cả mọi người 1 clip mang đậm tinh thần “góc nhìn Alan”. Câu chuyện kể về cuộc đời 1 con ruồi chỉ có 60s để sống nhưng bằng nỗ lực bền bỉ, niềm tin mãnh liệt, nó đã kịp hoàn thành tất cả những gì cần làm trước khi chết.

5

Buổi giao lưu ra mắt sách kéo dài hơn 3 tiếng đã kết thúc. Trong không khí chân tình, cởi mở, cả diễn giả và khán giả đều dành nhiều tình cảm, sự biết ơn, lòng ngưỡng mộ đối với TS. Alan Phan cùng những tâm huyết ông để lại cho đời. Góc nhìn Alan và cộng đồng BCAs sẽ vẫn tiếp tục được chị Melissa và ban biên tập sách duy trì trao đổi dưới hình thức post lại bài phân tích, dự báo cũ tuỳ theo tình hình kinh tế thị trường để mọi người cùng trao đổi. TS. Alan đã không còn nhưng kiến thức của ông, tầm nhìn của ông vẫn còn quá nhiều giá trị cho thế hệ trẻ Việt Nam hàng chục năm sau.

Thinkmarkus và Happy.live hân hạnh được tổ chức buổi giao lưu ra mắt sách Góc nhìn Alan ngày 21/05 vừa qua.