Tiếp cận Social Media content – Từ sếp tới nhân viên đều “thông suốt”

Hầu như Doanh nghiệp nào cũng đều tồn tại ít nhất 4 “kiểu người” với 4 nỗi trăn trở “tưởng khác mà giống”. Một Content Executive loay hoay giữa một ngàn từ vựng nhưng viết mãi vẫn lan man, không khiến cho khách hàng ngừng lướt news feed để đọc. Một Content Leader lạc lối trong biển “topic”, biết liệt kê ra một loạt ý tưởng nội dung nhưng không biết sắp xếp chúng ra sao cho “có chiến lược”. Một Marketing Manager ngày đêm choáng ngợp giữa mê cung “dữ liệu số”, nhanh nhạy trong tính toán nhưng không thể tối ưu chi phí sản xuất nội dung trên nhiều nền tảng. Một Chủ Doanh nghiệp “tiến thoái lưỡng nan” khi đọc báo cáo do Marketing Manager trình lên, thấy gì đó “sai sai” nhưng chưa nghĩ ra cách feedback cho cấp dưới dễ hiểu và nể phục.

4 nỗi trăn trở tưởng như khác nhau một trời một vực, nhưng tựu chung lại đều thuộc phạm trù Content Marketing Planning and Management. Cùng là content, nhưng rõ ràng Chủ Doanh nghiệp, Marketing Manager, Content Leader hay Content Executive sẽ gặp phải những vấn đề rất riêng và có cách tiếp cận lĩnh vực này rất khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ phân tích góc nhìn cụ thể của 4 nhân vật trên khi lên chiến lược content trên Social Media.

1. Tầm quan trọng của Social Media trong Content Marketing

Tầm quan trọng của Social Media trong Content Marketing

Con người trên toàn thế giới có xu hướng sử dụng các nền tảng mạng xã hội ngày một nhiều hơn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi đây là nơi kết nối mọi người với nhau, tạo ra một cộng đồng online phục vụ mục đích giao tiếp, trao đổi và chia sẻ giữa người với người. Không chỉ vậy, một vài năm gần đây các nền tảng này còn trở nên quen thuộc hơn với các Chủ Doanh nghiệp, khi tiếp tục tạo ra một không gian “chợ online” giữa người mua và người bán, đặc biệt là ở Châu Á. Hiệu quả chuyển đổi cao mà các nền tảng xã hội mang lại đã thật sự biến các Doanh nghiệp trở thành những “con mồi” sa lưới.

Cụ thể hơn, tại thị trường Việt Nam, số người sử dụng Facebook (một trong số các nền tảng xã hội) đã lên tới 64.000 người vào năm 2017 (lớn hơn 1/2 dân số cả nước) và đứng thứ 7 toàn thế giới. Điều này càng cho thấy các Chủ Doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư chất xám và vốn liếng một cách nghiêm túc vào các nền tảng xã hội được nhiều người sử dụng như Facebook, Instagram, Youtube.

Và thế là theo thói quen, các Chủ Doanh nghiệp thấy những con số kì diệu quá, ngay lập cho gọi team Marketing vào, yêu cầu “Các em triển khai mấy kênh mạng xã hội này đi nhé!”. Vậy là Marketing Manager háo hức, Content Leader cũng háo hức, xắn tay áo lên hô hào khẩu hiệu “Quyết chiến! Quyết thắng!”, vì cơ hội đã bày ra rành rành trước mắt rồi. Nhưng không, thế giới này chẳng “rực rỡ cờ hoa” tới thế, nơi nào có cơ hội là nơi đó có 1001 đối thủ đang trực chiến. Thách thức đặt ra cho Marketing Manager và Content Leader lúc này là làm sao để content của Doanh nghiệp mình trở nên độc đáo, khác biệt trên news feed của người dùng, để họ chịu bỏ qua hàng trăm nghìn nội dung khác mà dừng lại đọc, like, share! Vậy, làm thế nào để nội dung của bạn khác biệt?

2. Những yếu tố tạo nên sự khác biệt cho Social Media Content Plan

a. Hiểu rõ tâm lí và hành vi của khách hàng mục tiêu

Hiểu rõ tâm lí và hành vi của khách hàng mục tiêu

Một tệp khách hàng mục tiêu thường có những đặc điểm chung nhất định, nhưng để thúc đẩy, chuyển đổi được hành động của họ thì cần khai thác tâm lý và hành vi sâu hơn nữa. Cụ thể hơn, bạn đừng nên chỉ dừng lại ở việc phân tích các đặc điểm cơ bản về giới tính, độ tuổi, sở thích chung chung, mà hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng, brainstorm thật kĩ cho các câu hỏi như “Họ sẽ tìm kiếm sản phẩm này như thế nào? Quá trình từ khi tìm kiếm đến lúc đặt mua của họ ra sao? Họ sẽ hỏi gì trước khi quyết định đặt mua sản phẩm?”.

Để trả lời được chính xác nhất, hãy chia nhỏ tệp khách hàng mục tiêu hơn nữa, và vẽ ra những chân dung khách hàng khác nhau. Trang – một doanh nhân trẻ, tiếp cận mọi thứ trong cuộc sống qua hình ảnh, luôn hỏi bạn bè hoặc search Google/ mạng xã hội trước khi mua một sản phẩm – sẽ đặt ra các câu hỏi như “Sản phẩm này là gì? Tôi sẽ mua nó bằng cách nào? Tôi có thể mua nó ở đâu?”. Tuy nhiên, Huy – một doanh nhân trẻ, quyết định mọi thứ bằng sự phân tích và nhìn cuộc sống qua những con số, cũng hỏi bạn bè hoặc search Google/ mạng xã hội như Trang – lại có những thắc mắc khác như là “Tôi có thật sự cần sản phẩm này không? Sản phẩm này có những điểm tốt điểm xấu gì? Giá thành của sản phẩm thế nào?”. Một khi trả lời được các câu hỏi trên, Marketing Manager, Content Leader và Content Executive nhất định sẽ “đánh trúng” tâm lí khách hàng và thuyết phục được họ mua sản phẩm của mình.

b. Lựa chọn mạng xã hội phù hợp để phân phối content

Bạn không thể mở quán photocopy ở giữa một con phố bán quần áo thay vì cạnh các cơ quan, trường học. Bạn không thể kinh doanh một salon tóc sang chảnh cạnh một khu chợ tấp nập người bán kẻ mua. Với content cũng như vậy, bạn không thể phân phối content trên Twitter, Pinterest tại Việt Nam khi muốn tác động tới các bậc phụ huynh độ tuổi 45-60.

Tệp khách hàng mục tiêu sử dụng mạng xã hội nào nhiều nhất, hãy tập trung phân phối content trên các kênh đó, mà tốt nhất bạn nên sử dụng cùng một content idea với các format khác nhau trên các kênh khác nhau để tối ưu chất xám và chi phí sản xuất content. Ví dụ như cùng là bài viết giới thiệu sản phẩm gối đôi, trên Facebook bạn viết Text dài 200 từ, đặt vào một album với hơn 20 bức ảnh, thì trên Insta, bạn nên rút gọn phần Text xuống còn 30-50 từ và chỉ chọn ra 10 bức đại diện để đăng tải (bài post trên Insta giới hạn trong khoảng 10 ảnh). Lí do là bởi hành vi sử dụng Facebook và Insta rất khác nhau, khách hàng có thể ấn “Đọc thêm” trên Facebook nếu caption của bạn thú vị, nhưng họ hầu như chỉ lướt feed ảnh khi xem tin trên Insta.

Nắm chắc được “nghệ thuật phân phối content” rồi, Chủ Doanh nghiệp sẽ “bắt chấy” nhanh gọn – chỉ nhìn qua báo cáo sẽ biết ngay vấn đề nằm ở kênh nào, Marketing Manager sẽ “bày binh bố trận” thật hợp lí trên các nền tảng mạng xã hội sao cho tối ưu chi phí và hiệu quả nhất, Content Leader sẽ “đánh nhanh thắng nhanh” với những đoạn brief chuẩn chỉnh phù hợp với từng kênh, từ đó Content Executive có thể dễ dàng “hạ gục” các khách hàng tiềm năng mà không mông lung hay mất định hướng khi viết.

c. Sử dụng linh hoạt các format trên các mạng xã hội khác nhau

Tùy thuộc vào đối tượng của bài viết và kênh phân phối bài viết, bạn sẽ lựa chọn các format khác nhau để thể hiện ý tưởng của mình. Khách hàng mua quần áo thường rất thích xem Livestream trên Facebook, khách hàng mua mỹ phẩm lại hay check Livestream trên Insta Story, khách hàng đặt thuê homestay thích đọc mô tả thật kĩ ở album ảnh trên Facebook nhưng lại dễ dàng bị cuốn hút với một bức hình đẹp tại Insta dù chưa biết giá cả hay các góc phòng khác như thế nào,…

Tuy nhiên, nếu bạn ỷ lại vào hành vi khách hàng để rồi sử dụng format lặp đi lặp lại trên từng trang mạng xã hội kể trên, content của bạn sẽ trở nên “một màu” và gây nhàm chán cho người đọc. Thậm chí, vì hành vi của người dùng mạng xã hội là “lướt feed”, nên đôi khi họ sẽ tặc lưỡi “Ơ, cái này xem rồi mà” vì keyword, màu sắc, format của các content giống nhau quá.

Chốt lại, kĩ thuật cao siêu đến mấy cũng không thể “cứu” được những content plan thiếu đi các yếu tố cơ bản. Nếu hiểu được bản chất của việc quản trị mạng xã hội thì dù bạn là một Chủ Doanh nghiệp thấu đáo, là một Marketing Manager thông minh, hay là một Content Lead “mẫn cán”, bạn cũng đều sẽ giải quyết được những trăn trở còn tồn đọng trong công việc của mình.