Tư duy- Trí tuệ của người làm marketing

“MARKETING LÀ TƯ DUY, KHÔNG PHẢI CÁM TÍNH HAY KINH NGHIỆM”

Người sáng lập ra lớp học Tư Duy Marketing đầu tiên ở Hà Nội đã chia sẻ với chúng tôi những sai lầm mà người làm marketing thường hay mắc phải. Với kinh nghiệm học tập và làm việc trong và ngoài nước, hãy cùng lắng nghe chia sẻ của anh về sự khác biệt giữa tư duy marketing ở Việt Nam và trên thế giới.

Anh Đỗ Xuân Khoa- Giảng viên lớp Markus Thinking- Tư duy marketing cơ bản Anh Đỗ Xuân Khoa- Giảng viên lớp Markus Thinking- Tư duy marketing cơ bản

1.     Chào anh Khoa, được biết anh đã trải qua rất nhiều môi trường làm việc như Vatgia, Topica hay TH True Milik, bên cạnh đó khi học thạc sỹ marketing tại Thụy Điển, tiếp xúc với cách làm, cách nghĩ của những marketers phương Tây, anh thấy người làm Marketing tại Việt Nam đang có những sai lầm gì trong tư duy?

Theo mình thì có ba sai lầm thường gặp trong tư duy của những người làm marketing ở Việt Nam, kể cả là ở các bạn trẻ mới bắt đầu bước vào nghề hay những người đã làm marketing lâu năm.

Thứ nhất, đó là Không có tư duy Marketing. Rất nhiều người không có tư duy Marketing một cách hệ thống, dựa trên cơ sở của các nghiên cứu khoa học, các phân tích và số liệu thực tiễn mà làm một cách rất bản năng, làm theo cảm tính, theo kinh nghiệm. Điều này dễ dàng khiến các bạn vất vả khi gặp bài toán marketing mới, khó nhằn. Làm theo bản năng mách bảo, nhiều lúc rất chính xác, nhưng nhiều lúc lại giống học vẹt, tức là áp dụng kinh nghiệm vào tất cả mọi tình huống mà không cần phân tích xem sự khác nhau giữa các tình huống là gì. Hãy hình dung, bạn dùng kinh nghiệm đạp xe đạp lái xe máy thì còn tạm chấp nhận được, vì hai việc này đều cần kinh nghiệm giữ thăng bằng. Nhưng bạn dùng kinh nghiệm lái xe máy để lái xe ô tô thì nghe chừng sẽ rất khó.

Thứ hai, các bạn chỉ làm marketing bằng công cụ. Nhiều người chỉ nghĩ rằng Marketing là Google Ads, SEO, là lập Fanpage, quảng cáo bằng SMS, Email v..v…. Nhưng tư duy công cụ có hạn chế rất lớn về mặt nội dung, lại thường khá tốn kém vì cần liên tục chạy quảng cảo, liên tục học lại các tools mới một khi nhà cung cấp dịch vụ thay đổi thuật toán. Giải quyết vấn đề, giống kiểu dạy bạn cách dùng búa đóng đinh thì bạn sẽ mãi mãi chỉ đóng đinh mà không biết rằng dùng búa khéo léo còn gỡ được đinh nữa.

Và cuối cùng, nhiều người quan niệm làm marketing là làm thương hiệu mà không có sự tương tác với các bộ phận khác trong công ty, không quan tâm đến hành vi mua hàng, không chú ý đến liệu những chiến lược của mình có tạo ra hiệu quả với doanh thu, chuyển đổi sang lợi nhuận của công ty hay không. Mình khẳng định là Marketing mang được về cho công ty cả doanh số lẫn thương hiệu. Rơi vào cực đoan một trong hai mục tiêu này đều làm mất đi giá trị của marketing. Lấy ví dụ DN bạn chỉ dùng Marketing để tăng doanh thu, bạn sẽ dễ gặp tình trạng là doanh số tăng kịch trần rồi cứ thế giảm dần do nhiều yếu tố như cạnh tranh, môi trường thay đổi, định vị thương hiệu kém… Dẫn tới các chiêu sales promotion không còn hiệu quả nữa.

Hoặc DN bạn chỉ muốn làm thương hiệu bằng marketing, nhưng không chú ý tới xây dựng kênh phân phối và sử dụng hiệu quả sales promotion, khiến cho các chương trình marketing chỉ kéo Khách hàng tới siêu thị vì yêu thích thương hiệu của bạn, nhưng lúc móc ví trả tiền lại chọn thương hiệu đối thủ cạnh tranh vì “nó có khuyến mại”. Cũng rất dễ hiểu, vì tư duy này, nên phòng sales và phòng marketing luôn cãi nhau tóe lửa là vậy.

2.     Vậy theo anh, tư duy marketing là gì?

Tư Duy Marketing theo quan niệm cá nhân mình, là: Cách suy nghĩ của 1 người khi giải quyết các vấn đề kinh doanh (vì marketing gắn liền với kinh doanh) theo đường lối marketing.

''Tư duy là cái quyết định trình độ của người làm marketing'' ”Tư duy là cái quyết định trình độ của người làm marketing”

3.    Là người đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành, theo anh thì Tư duy Marketing có vai trò như thế nào với người làm marketing ?

Với người làm Marketing thì Tư duy Marketing theo mình là cái quyết định trình độ của họ . Nó chính là sự thể hiện trí tuệ của người làm Marketing . Bạn sẽ giải quyết vấn đề như thế nào khi gặp phải một thách thức mới trong công việc là vấn đề ở mặt tư duy. Không có tư duy Marketing khoa học thì khi đứng trước một vấn đề sẽ rất loay hoay, không biết bắt đầu từ đâu, làm mãi mà không đúng, không được việc.

4.     Từ lúc nào thì anh nhận thấy là “Tư duy Marketing” là một điều quan trọng ạ?

Vào khoảng cuối năm thứ nhất đại học, mình nhận thấy nhân sự Marketing miền Bắc có vẻ kém hơn miền Nam về số lượng, hơn thế nữa, các chiến dịch Marketing của Việt Nam cũng thường xuất phát từ miền Nam và hiếm khi tạo được ấn tượng hay đặc biệt như các chiến dịch của nước ngoài.

Lúc đó mình bắt đầu vào diễn đàn openshare.com.vn và tiền thân là box marketing của TTVNonline có gặp các anh chị như Khang Hi Đại Đế, Lawrence, anh Trương phổi bò, chị Yến Điệu… và nhận ra hoá ra vấn đề không phải nằm ở kiến thức hay trình độ, mà chính là ở mặt tư duy. Các bạn miền Nam có tư duy cởi mở hơn rất nhiều so với miền Bắc, các bạn ấy ngay từ đầu cũng đã được tiếp xúc với quy trình marketing chuyên nghiệp bài bản từ các công ty quảng cáo nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Ở miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung, mình vẫn hay bị bó buộc vào những lối tư duy cũ nhiều quá nên mới hiếm có chiến dịch nào bật lên xuất sắc được.

5.     Có phải “tư duy marketing” chỉ dùng cho lĩnh vực marketing hay không? Nếu không thì anh có thể cho ví dụ được không ạ?

Tất nhiên là “tư duy marketing” không chỉ có đất dụng võ trong ngành marketing rồi. Bởi vì gốc rễ của tư duy marketing bắt nguồn từ việc phân tích chính con người – là đối tượng mà ta giao tiếp nhiều nhất hàng ngày, nên nó có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn giản như trong mảng HR. Khi một nhân viên yêu cầu tăng lương đột ngột, người làm HR có thể giải quyết theo hai cách đều giống với tư duy Marketing

Cách 1: Đáp ứng nhu cầu của nhân viên

Anh ta đòi tăng lương? Vậy nhu cầu của anh ta là gì, có thật sự chỉ là thiếu thốn tài chính? Điều gì ẩn đằng sau yêu cầu ấy? Đó có thật sự là yêu cầu cuối cùng, duy nhất của anh ta? Bằng việc đặt ra liên tục các câu hỏi Tại sao… người làm HR có thể áp dụng kỹ thuật Laddering – Bậc thang – trong market research để tìm hiểu nhu cầu thật sự của lần đòi tăng lương này.

Cách 2: Thay vì hỏi Nhu Cầu, người HR hỏi về Vấn đề nào khiến nhân viên đòi tăng lương?

Đòi tăng lương là giải pháp cho 1 triệu chứng, không phải vấn đề. Vd như bạn gặp phải triệu chứng Hoa mắt chóng mặt, bạn nghĩ vấn đề của bạn là Đói, nên bạn sẽ Đòi ăn à. Người làm HR có thể đặt các câu hỏi với đồng nghiệp của nhân viên này, để hiểu về Triệu chứng của Nhân viên. Từ đó, tìm ra  vấn đề thật sự của nhân viên này là gì (Chăm chỉ nhưng không được đánh giá cao, Đi sớm về muộn nhưng phụ cấp của công ty thấp …) Bằng kỹ thuật Observation, IDI, bạn tìm ra chính xác vấn đề của nhân viên, thì việc xử lý chuyện đòi tăng lương sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tiếp cận trúng vấn đề thì sẽ giải quyết đúng vấn đề.

6.     Qua quá trình học ở nước ngoài và làm việc trong ngành MKT ở Việt Nam, theo anh đâu là những điểm khác biệt lớn trong tư duy MKT của người Việt Nam và các đồng nghiệp nước ngoài?

Tính bài bản, hệ thống khi tiếp cận vấn đề chính là điểm khác biệt lớn nhất. Khác với các nền kinh tế phát triển,phần lớn các marketer Việt Nam vẫn hay làm theo bản năng, theo cảm tính. Mà cảm tính thì thường rất chủ quan. Nó làm yếu đi các phân tích mang tính khoa học.

Quan trọng hơn nữa là “bản năng, cảm tính” mang tính cá nhân, không thể nhân bản và hình thành một quy trình để truyền lại được. Thế nên mới có chuyện leader rất giỏi nhưng không thể cho các thành viên trong team của mình giỏi được như anh/chị ấy.  Có bài bản thì có thể dạy lại được cho người khác và đó cũng là lí do mà chúng ta cần chữ viết hay cao hơn là Lý thuyết. Phần lớn các lý thuyết cũng là do đúc rút trong thực tế mà ra. Vì thế đừng nên đánh giá thấp vai trò của lý thuyết.

7.     Với những sai lầm/lệch lạc như vậy thì có cách nào để phòng tránh không ạ?

Với các bạn sinh viên thì theo mình là có 2 cách:

–       Thứ nhất là các bạn hãy đi làm, làm thật nhiều vào. Làm rồi sai, sai lại rút kinh nghiệm, dần dần từ thực tế và va chạm, nếu là người có khả năng tổng hợp cao, tự bạn sẽ các bạn sẽ tạo cho mình một tư duy khá hoàn thiện.

–       Thứ hai, các bạn hãy học thật vững các kiến thức cơ bản trong nhà trường, tạo nên nền tảng cho bản thân mình. Nhưng học xong thì phải bê kiến thức ấy vào cuộc sống, phải thử làm thì mới biết là kiến thức có dùng được hay không, hay dùng trong thực tế có vấn đề gì.  Một bản kế hoạch trên giấy nghe rất kêu nhưng nếu áp dụng thực tế không thành công thì vẫn là vô dụng.

8.     Những cách “phòng tránh” được anh nêu ra thường áp dụng cho các bạn trẻ chưa bước vào nghề, vậy còn những Marketer đang làm việc mà có tư duy chưa đúng hướng thì sao ạ?

Như mình luôn nói thì Tư duy là một cái rất khó để học. Mà một khi nó đã hình thành rồi thì không dễ mà thay đổi.

Theo mình thì có 2 ý để “nắn” lại tư duy. Đấy là bạn phải tự học lại từ đầu, đập đi toàn bộ những gì bạn nghĩ, những gì bạn biết để học lại cái mới. Bạn phải viết ra được là cách bạn đang nghĩ hiện tại là gì, rồi sau đó gạch bỏ nó đi thì mới thoải mái mà tiếp nhận cái mới được. Chừng nào mà bạn còn chưa biết hiện tại mình đang tư duy thế n
ào, chừng đó bạn còn khó mà học hỏi cái mới. Hơn nữa, khi đã chấp nhận học cái mới, thì hãy dũng cảm đập bỏ cái cũ đi, và thực hành nghiêm túc theo cái mới đó. Kiên trì và đừng từ bỏ. Còn ý thứ hai, đấy là khi bạn bị buộc phải làm theo những luồng tư duy cũ, theo cách cũ ở công ty chẳng hạn: “Không em ạ, em phải làm như thế này cơ.” “Không em ạ, mình không bao giờ làm thế cả”. “Làm như cũ ý em”v..v… Thì bạn phải tự lên tiếng đấu tranh cho chính kiến của mình.  Và luôn tìm cách thực hiện những ý tưởng, tư duy mới. Từng chút từng chút một, bạn sẽ thấy ý tưởng mới ấy được thành hình, áp dụng trong thực tế ra sao. Tranh cãi với sếp kiểu cách làm của anh đã cũ, mà không có dẫn chứng, thì cuối cùng bạn chẳng được gì, mà có khi còn mất hết. Nên chăng, cứ đấu tranh kiên trì, và luôn tìm cách đưa ý tưởng mới vào từng bước thực hiện chương trình marketing để có kết quả thật, chứng minh hiệu quả với sếp.

Lớp học Tư duy Marketing- Markus Lớp học Tư duy Marketing- Markus

9.     Với tâm thế là một người muốn chia sẻ một “tư duy MKT đúng đắn” cho những Marketer trẻ tuổi, lớp học Marketing Thinking tại Markus của anh sẽ  tạo ra những giá trị gì cho học viên ạ? Anh có thể chia sẻ về nội dung lớp học, những điều độc đáo chỉ riêng Markus mới chia sẻ không ạ?

MÌnh cũng không dám nói tư duy Markus là đúng đắn. Thực ra điều mình muốn mang đến  là một tư duy bài bản, có hệ thống để các bạn có thể giải quyết vấn đề một cách khoa học.

Lớp học Marketing Thinking của Markus cốt lõi của nó chính là từ “Thinking” – tư duy. Đây là nơi đầu tiên chia sẻ cho bạn biết cách tư duy như thế nào, làm thế nào để tư duy, bắt đầu giải quyết vấn đề từ đâu.

Tất nhiên, dạy người khác tư duy như thế nào là rất khó, và nó cũng chưa chắc đã có thể cho các bạn kết quả ngay lập tức như là dạy các bạn về SEO, về Google Ads. Học tư duy, thành tựu có khi 10 năm sau mới tới. Nên nó không phải thứ ăn xổi, học xong thành thiên tài. Học xong, bạn có thể làm được ngay nhưng hiệu quả còn phải chờ đến khi bạn thật sự vận dụng triệt để được tư duy này. Học tư duy là cả một quá trình.… Nhưng mình tin tưởng rằng đây là một điều mà mọi người thực sự cần. Nó giúp cho công việc hiện tại và tương lai. Những người giỏi nhất trong ngành Marketing ở Việt Nam mà mình may mắn được gặp, họ đều có tư duy-cách giải quyết vấn đề – độc đáo, sáng tạo và mang phong cách cá nhân rõ nét. Muốn trở thành chuyên gia như các anh chị ấy, tốt nhất là nên học theo cái hay của họ. Ở đây, mình thấy cái đáng học nhất chính là tư duy.

Thường được biết đến với tên gọi Quách Tĩnh, anh Đỗ Xuân Khoa là sáng lập viên của Markus- lớp học tư duy Marketing. Anh có kinh nghiệm làm việc 5 năm trong ngành marketing tại các công ty thương mại điện tử (Vatgia), Giáo dục (Topica) và Hàng tiêu dùng nhanh (TH True Milk). Anh Khoa đồng thời là thạc sỹ ngành marketing tại Đại học Linnaeus, Thụy Điển.