Làm thế nào để phân tích một Case study

Khi tìm hiểu về một lý thuyết nói chung và ở Marketing nói riêng luôn cần song hàng cùng việc tìm hiểu, phân tích cùng các ví dụ thực tế. Thế nhưng nếu có một case study rồi thì làm sao để phân tích và học từ chính những ví dụ hết sức cụ thể, trực quan như thế? Đây cũng là câu hỏi của bạn Mai Phuong Nguyen  – thành viên cộng đồng Markus: “Có chuyện này em băn khoăn đã lâu nhưng chưa biết thổ lộ cùng ai. Thôi thì đưa ra đây cho bà con markus cùng bày tỏ ý kiến. Chuyện mà đại hiệp Quách Tĩnh ngày nào cũng nói là chuyện phân tích Case study, theo mọi người, cách để tiếp cận, phân tích, rút ra bài học từ một case studie là gì?”
Chủ đề này đã nhận được những phản hồi từ các thành viên khác như sau:

Thành viên GoldFish Minh – dưới góc nhìn của một người đã đi làm thực tế, cọ sát nhiều qua các chiến dịch Marketing chia sẻ 6 bước khi bóc tách từng lớp của Case study:

  1.  Nắm chắc lý thuyết – tất cả thực tế đều được tổng hợp và đưa vào sách và nâng lên thành lý thuyết, vậy case nào cũng sẽ nằm đâu đó và thuộc vào một lý thuyết nào đó, hãy cố gắng nắm chắc lý thuyết
  2. Cố gắng tìm điểm tương đồng giữa case và lý thuyết bạn có sẵn
  3. Phân tích sâu hơn, nhặt sạn, đi từ tổng quan vào từng chi tiết nhỏ theo đúng sơ đồ marketing  (RSTP….) mỗi chi tiết cố gắng phân tích dựa trên mind map 6 câu hỏi (mình đã từng chia sẻ xem chi tiết tại đây)
  4. Liên hệ thực tế, xem có doanh nghiệp nào, sử dụng cùng kỹ thuật tương đương trong một mảng khác và đạt được thành công tương tự không
  5. Hiểu rồi thì bắt tay vào công việc thực tế của mình
  6. Đọc ít thôi và làm nhiều hơn

Ở một góc nhìn khác thành viên Nguyễn Thu Thảo – một bạn sinh viên nhưng cũng có ít nhiều kinh nghiệm thực tế và đã tham gia một số cuộc thi về kinh doanh, Marketing thì chia case study thành 2 loại và đưa ra hướng giải quyết theo từng loại. Thảo chia sẻ:  “Thứ nhất là case study mang tính học thuật, tức là đã được biên soạn lại với mục đích minh họa cho một (vài) vấn đề lý thuyết nào đó. Thứ hai là case study chưa (không) được biên soạn lại gì hết, hoặc là mình/ bạn bè gặp trong quá trình làm, hoặc là mình tự đi research và thu thập nhiều mảnh thông tin nhỏ lẻ.
– Với loại case study thứ nhất, mình tiếp cận theo lối top down. Theo như tính chất em đã nói, nó sẽ thường được đi kèm với một vấn đề lý thuyết nào đó. Bản thân em đã từng research để viết loại case như thế này một lần, quy trình chính là em tự đi thu thập thông tin, phân tích theo sườn lý thuyết, rồi sau đó sắp xếp lại thông tin, viết theo lối kể chuyện, cung cấp facts and figures chứ không gắn nhận định vào nữa.
=> Người học tiếp cận theo cách bám sát sườn lý thuyết, gắn thông tin thực tế vào để hiểu rõ vấn đề, cố gắng tự đưa ra nhận định nếu có thể. Nếu chị muốn đi sâu hơn, thì theo em là có 2 cách: 1 là hãy tự hỏi từ chính phần lý thuyết đã. 2 là phân tích xong case hãy thử nghĩ xem tại sao người viết lại chọn doanh nghiệp này để minh họa cho lý thuyết này? Liệu lý thuyết này có thu hẹp cho một số ngành nhất định không hay có thể mở rộng được?

– Với loại case thứ hai, mình tiếp cận kiểu bottom up một chút. Cũng theo tính chất em đã nói, case này là trong quá trình làm mình gặp phải hoặc tự đi thu thập, vậy trước tiên nên xác định mục đích dùng case để làm gì? Sau đó, hãy cố gắng thu thập được nhiều thông tin, phân loại thông tin theo mục đích sử dụng, ứng dụng lý thuyết hoặc kinh nghiệm đã có vào case. Bản thân mình thì hay áp dụng cách đọc nhiều case về marketing để xem xu hướng hiện nay là gì, người ta execute thì có những mảng nào cần lo, cũng có ích khi tham dự mấy cuộc thi, khi bí ý tưởng thì có thể bắt chước mấy case mình từng đọc hoặc gộp vài cái case study.”

Nghiên cứu để tìm ra bài học từ những câu chuyện thực tế luôn là một trong những cách hiệu quả nhất để nâng cao hiểu biết về một lĩnh vực chứ không chỉ riêng của Marketing. Không có khuôn mẫu chuẩn để tìm hiểu một case study bởi kho kiến thức cũng như cá tính của mỗi con người là khác nhau. Thế nhưng, theo cá nhân tôi, hiểu rõ lý thuyết: các nhân tố,  các bước, các giai đoạn… trong quá trình triển khai chiến dịch Marketing thì chúng ta sẽ có một “dàn bài” rõ ràng để hỗ trợ cho việc tóm tắt và nắm bắt “cốt truyện” được liền mạch và logic.