Khởi nghiệp không ngủ (số 1) – Hoàng Đức Minh

Gần đây, nếu theo dõi fanpage Think Markus, chắc hẳn các bạn đã thấy qua cái tên rất bắt mắt: “Khởi nghiệp không ngủ”. Hiểu 1 cách ngắn gọn, “Khởi nghiệp không ngủ” là show được thiết kế theo hình thức trò chuyện trực tiếp với start – up founder trong vòng 30 phút, phát sóng trực tiếp vào 12h đêm thứ 5 hàng tuần tại Fanpage của Thasanova – Thấy sao nói vậy.

Mục đích chính của chương trình là giúp các công ty khởi nghiệp được mọi người biết đến nhiều hơn. Ngoài ra, người xem cũng thấy được một góc nhìn mới hơn về khởi nghiệp qua những màn “chặt chém” của chương trình, thay vì chỉ hỏi về những thành công – thất bại một cách buồn tẻ.

Số đầu tiên của “Khởi nghiệp không ngủ” đã diễn ra vào đêm ngày 12/5 với khách mời là anh Hoàng Đức Minh – Founder/CEO của Wake It Up. Hãy cùng Markus điểm lại những nội dung đáng chú ý trong show và bài học rút ra cho các Start-up nhé.

13151436_1142813985749483_3193051117268989996_n

1. Diễn giả là ai? Wake It Up là gì?

Diễn giả của số đầu tiên là anh Hoàng Đức Minh, một người lọt vào top 30 danh sách Forbes 30 Under 30 2014, hiện đang là founder/CEO của Wake It Up – dự án vừa thắng giải nhất trong cuộc thi “Một triệu đô la thay đổi thế giới” của Forbes. Mặc dù còn rất trẻ (sinh năm 1990) nhưng anh Minh đã có tới 7 năm kinh nghiệm hoạt động xã hội với các lĩnh vực chính là giáo dục, bảo vệ môi trường…

Giới thiệu về dự án Wake It Up, đây là 1 nền tảng công nghệ cho tất cả mọi người tham gia khởi tạo, quản lý dự án của mình, hỗ trợ nhiều loại tương tác như tổ chức cuộc thi, thu thập chữ ký, thu thập lượt chia sẻ – share funding… Khi được tóm tắt trong 7 chữ, Wake It Up sẽ là: nền tảng cho hoạt động xã hội.

2. Con đường khởi nghiệp

Bắt đầu khởi nghiệp với nền tảng công nghệ từ 1 năm trước, anh Hoàng Đức Minh chia sẻ, dự án tiền thân của Wake It Up có tên gọi Tử tế Là với website tutela.vn. Ngày đó, Tử Tế Là chủ yếu là 1 trang tin tức về “việc tử tế”, hoạt động trong vòng 3 tháng với những kết quả khá ấn tượng: đạt 45000 thành viên tham gia, tổ chức được 45 hoạt động, bao gồm 2 chiến dịch lớn chắc hẳn ai cũng đều biết: #SaveSonDoong và “6.700 người vì 6.700 cây xanh”

Cũng như bao chặng đường khởi nghiệp của các Start- Up owner trẻ tuổi, Minh cũng phải xoay xở với vấn đề thiếu vốn liên tục, thấp thỏm lo âu liệu dự án có tồn tại được 6 tháng, 1 năm hay không. Để Tử Tế Là ra được phiên bản Wake It Up ngày hôm nay, Minh chia sẻ: “Nhưng được một thời gian thì tụi mình hết tiền. May mắn là lúc đó mình lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes, được nói chuyện với các anh chị đi trước và tìm được nhà đầu tư thiên thần cho dự án của mình. Thế là tụi mình tiếp tục sống cho đến giờ. Sản phẩm của tụi mình vừa mới chính thức ra mắt cách đây 3 ngày thôi, vừa kịp cho buổi thuyết trình cuối cùng của cuộc thi Một triệu đô la thay đổi thế giới!”.

img20150507125538881

3. “Ước mơ đã không thành thì làm gì chẳng được”

Quan điểm của Minh về ước mơ cũng rất khác người bởi “mọi người nói A thì mình sẽ nói B cho buồn cười”. Tại hội nghị Under 30, anh có nói 1 câu làm mọi người ngạc nhiên là: “Ước mơ đã không thành thì làm gì chẳng được”. Thoạt nghe thì có vẻ không ổn, rất ngược đời, nhưng sau khi nghe giải thích mọi người mới ồ lên. “Diễn đàn năm đó mọi người nói rất nhiều về ước mơ, về đam mê, về thành công. Nhìn lại cuộc đời mình cũng đầy cả thất bại: ước mơ trở thành bác sĩ thì thi trượt, ước mơ sống trường sinh bất tử cũng không thành. Cuối cùng mới chuyển sang làm hoạt động xã hội. Thật ra mình cũng có yêu môi trường quái đâu, nhưng mà vì môi trường cứ bị tàn phá nên mình phải cố gắng đi bảo vệ đó chứ. Nên mình nghĩ, không phải ai cũng tìm được ước mơ của mình, cũng không nhất định ai cũng phải có ước mơ, vì đâu có quy định nào bắt buộc sinh ra là phải có ước mơ? Nếu như mình cứ nói chuyện về ước mơ nhiều quá thì đôi khi người ta sẽ hoang mang. Quan trọng là sống ý nghĩa và hạnh phúc. Cái gọi là làm-gì-chẳng-được không có nghĩa là bạn có thể lãng phí cuộc đời mình vì không có ước mơ gì hết. Ý mình là bạn có thể giúp đỡ nhiều người, bạn có thể sống một cuộc sống tự do ý nghĩa mà không phải bị ràng buộc bởi 1 con đường cụ thể nào.”

4. “Cứ khởi nghiệp với những gì bạn có để biết bạn cần bao nhiêu nữa”

Khi được hỏi về thành công của Wake It Up, con đường trước mắt ra sao Minh đã nói 1 câu mà có lẽ tất cả các bạn trẻ đã và đang start – up cũng đều “thấm”: “Mình tạm được gọi là thành công trong việc sống sót đến bây giờ, nhưng không thể biết được trong vòng nửa năm, 1 năm nữa thì sản phẩm sẽ đi đến đâu.”

Những giai đoạn khó khăn ấy có thể sẽ vẫn còn kéo dài, giải xong bài toán này lại có bài toán khác, nhưng quan trọng là Minh tin và tâm huyết với sản phẩm của mình. Nếu lại hết tiền, chắc chắn sẽ lại nghĩ cách tìm tiếp, có thể thậm chí phải bắt đầu lại, hoặc đi làm cho 1 Start-up khác có ý tưởng tương tự như vậy… Cứ cố gắng làm hết mình, còn nếu vẫn thất bại thì… có lẽ do năng lực có hạn, sinh ra chưa hợp thời.

Trao đổi về 1 yếu tố quan trọng không kém đó là kiến thức, Minh nói thật rằng trước kia mình cũng học không tốt, rồi bỏ học để khởi nghiệp. Tất cả các kỹ năng cơ bản như Sales, Marketing… Minh đều tự học từ đầu để dự án đủ sức thuyết phục nhà đầu tư. Theo Minh, học là việc rất quan trọng nhưng học thì có nhiều cách, trong đó Minh khuyên các bạn trẻ hãy đọc nhiều sách, học hỏi từ anh chị, bạn bè, và tìm kiếm các mentor cho mình. “Thời gian tư vấn của các anh chị dành cho mình ít thôi nhưng nếu quy đổi về giá trị đem đến thì rất cao, nói thật là nếu không có những người cố vấn như anh chị thì những sản phẩm của mình sẽ thất bại, hoặc ít nhất là tốn gấp đôi thời gian để đạt được những kết quả như bây giờ.”

Để tóm gọn trong 3 tài nguyên cần có khi khởi nghiệp, theo Minh đó chính là: kiến thức về lĩnh vực muốn khởi nghiệp, tiền, và quan hệ xã hội. Khi hội tủ đủ 3 tài nguyện đấy rồi thì ở tuổi nào bạn cũng khởi nghiệp được.

forbes.ivivu_

5. Q&A

Cuối cùng là phần hỏi đáp trực tiếp của Minh với khán giả

  • Từ khi khởi nghiệp, cuộc sống của Minh và bạn đời như thế nào? Có gặp mâu thuẫn, phản đối hay khó khăn nào không và Minh giải quyết ra sao?

May mắn, vợ Minh “như là nhân sự không bao giờ nghỉ việc – bao nhiêu tầng lớp nhân viên tới và đi, những cô ấy không rời bỏ mình.” Tuy nhiên trong cuộc sống, dù ai cũng có thể khó khăn về 1 số mặt như bố mẹ ngăn cấm, bạn đời gây áp lực… nhưng quan trọng là không nên so sánh điều kiện của mình với người khác dẫn đến nản lòng. Lý do là bởi ai cũng sẽ có những khó khăn riêng, hãy nghĩ rằng mình bỏ ra nhiều hơn thì quả cũng sẽ ngọt hơn.

  • Liệu có sự mâu thuẫn giữa mục đích đóng góp cho xã hội với mục đích kiếm tiền của 1 Start-up?

Theo Minh thì không hề mâu thuẫn. Bởi đóng góp cho xã hội có rất nhiều cách. Nếu bạn hoạt động theo các dự án xã hội thôi thì chỉ giúp được một số đối tượng nhất định trong những dự án nhất định. Tuy nhiên, Wake It Up là 1 nền tảng công nghệ có thể giúp được hang nghìn người với hang nghìn dự án khởi nghiệp. Rồi sau đó, chính đồng tiền thu lại được cũng sẽ dung để đầu tư trở lại cho các ý tưởng mới giúp ích xã hội.

  • Làm sao để biết ước mơ, đam mê của mình là gì? Điều mình đang làm có phải là đam mê không?

Minh hiểu đơn giản đam mê là 1 thứ mình rất rất rất thích, nghĩ đến việc làm nó cả đời cũng vẫn thích. Nếu 1 ngày không còn thích nó nữa thì sao? Đó vẫn sẽ được gọi là đam mê của bạn. Bởi bạn không nhất thiết phải đam mê 1 thứ cả đời, có thể chỉ mê trong vòng 3 năm, 5 năm, thậm chí đam mê nhiều thứ 1 lúc… “Chẳng hạn như bạn vừa thích hút cần, vừa thích chơi gái, có thể mê 2 thứ đó cùng 1 lúc cơ mà…”

  • Quan điểm về cách sống của các bạn trẻ hiện nay là gì?

Mỗi người đều có cách sống, cách thể hiện riêng của họ. Theo Minh thì bạn có thể sống theo cách mà bạn muốn, nhưng có 1 điều nên làm là sống theo lương tâm. Hãy nghĩ về điều tử tế, nghĩ xem mình làm việc này đã tử tế chưa, nên làm không… Chỉ đơn giản vậy thôi xã hội sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Để kết thúc số đầu tiên của “Khởi nghiệp không ngủ”, Minh đã nói 1 câu cực kỳ ấn tượng theo đề nghị của khán giả. Đó là: “Cứu thế giới thì rất khó nhưng sống tử tế hơn thì dễ hơn nhiều.”

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi chưa đầy 30 đã kết thúc nhưng để lại vô cùng nhiều bài học và nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ đã, đang và sẽ nuôi ước mơ Start-up. Để theo dõi toàn bộ video và các số tiếp của “Khởi nghiệp không ngủ”, mời các bạn xem tại fanpage của Thasanova nhé.