Một buổi sáng như thường lệ, bạn ngồi vào bàn làm việc và chuẩn bị cho những bài viết trên fanpage nhưng lại chẳng biết viết gì. “Hôm nay mình sẽ viết gì đây?” - bạn chăm chú nhìn màn hình với những ý tưởng trùng lặp trong đầu. Tình trạng “bí ý tưởng” này có lẽ đã không còn xa lạ trong giới content. Vậy do đâu mà content writer lại rơi vào trạng thái bí toàn tập?
Có thể nguyên nhân nằm ở việc bạn chưa khai thác hết các góc cạnh của sản phẩm, thương hiệu, cũng như chưa hiểu hết tâm lý, trăn trở của của người tiêu dùng và chưa có kế hoạch hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng kê đơn cho "căn bệnh" bí ý tưởng ấy.
1. Hiểu rõ thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ
Để khơi nguồn ý tưởng, đầu tiên bạn có thể xuất phát từ những góc nhìn mới về những thông tin đã có. Nhìn nhận, đánh giá trên nhiều phương diện giúp content writer khai thác thêm thông tin từ thương hiệu, sản phẩm & dịch vụ. Khi đó, bạn có thể tận dụng những thông tin này để phát triển ý tưởng cho nội dung fanpage.
Ví dụ, với sản phẩm là máy rửa mặt, ngoài viết về những tính năng chính, dựa trên khách hàng tiềm năng là con gái sẽ quan tâm đến bao bì, bạn có thể mở rộng chủ đề liên quan tới kích cỡ, hình dáng, màu sắc… của máy.
Trong quá trình tìm hiểu, bạn có thể vẽ sơ đồ tư duy để làm rõ từng khía cạnh của sản phẩm như công dụng, đặc điểm, tính năng…. Mỗi nhánh nhỏ trong sơ đồ này đều là chất liệu tạo nên nội dung trên fanpage. Như vậy, để vẽ được mindmap chi tiết, content writer sẽ cần dành nhiều thời gian cho quá trình tìm kiếm và nghiên cứu từ nhiều nguồn thông tin.
Nguồn thông tin đầu tiên để hiểu rõ về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ chính là brand guideline và những tài liệu được công ty, client cung cấp.
Tiếp đó, bạn có thể phỏng vấn nhà sáng lập, người tạo ra sản phẩm để khai thác các góc cạnh mới. Ví dụ như những giai đoạn hình thành, trong giai đoạn ấy có gặp khó khăn gì không, nếu có thì vượt qua và cải tiến như thế nào? Những thông tin giá trị này sẽ giúp bạn có thêm nhiều tư liệu để lên ý tưởng cho nội dung.
Cuối cùng, hãy đóng vai người tiêu dùng bằng cách thử trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ. Khi đã trực tiếp sử dụng, content writer sẽ có thời gian quan sát và có cảm nhận nhất định để bổ sung thêm những thông tin về sản phẩm. Với những gợi ý trên, hãy thử lập ngay mindmap về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ để có thêm nhiều ý tưởng cho nội dung của mình nhé!
2. Hiểu rõ người tiêu dùng
Thứ hai, để làm đầy kho ý tưởng, bạn hãy bước vào thế giới nội tâm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng là đối tượng quyết định trực tiếp đến cách sáng tạo nội dung content writer.
Ví dụ, với đối tượng là khách hàng tuổi teen, bạn sẽ không thể dùng hình ảnh hay ngôn ngữ quá trang trọng. Ngược lại, những từ ngữ thuộc gen Z chắc chắn không phù hợp với người tiêu dùng lớn tuổi.
Đừng quên khai thác “insight”, “pain point” của người tiêu dùng. Những nguyên liệu này sẽ giúp bạn sản xuất nội dung “chạm” tới khách hàng hơn. Khi đó, bài viết của bạn sẽ thu hút ánh nhìn của họ giữa một rừng nội dung quảng cáo
Ví dụ, khi viết cho sản phẩm quần áo cho trẻ em, xuất phát từ tâm lý “muốn con ngủ ngon” của mẹ, bạn có thể triển khai bài viết về việc quần áo mềm mại vỗ về từng giấc ngủ của con thay vì chỉ đơn thuần liệt kê ra chất liệu, kiểu dáng quần áo.
Khi đã hiểu về đặc điểm của khách hàng tiềm năng cũng như mong muốn, nỗi đau của họ, content writer sẽ có thêm nhiều góc nhìn khi nghĩ ý tưởng nội dung. Ngoài góc nhìn từ phía sản phẩm, từ phía khách hàng, chúng ta có thể khai thác các góc nhìn từ bên thứ ba.
Quay trở lại với khách hàng là những bà mẹ, khi chọn quần áo bỉm sữa cho con, họ sẽ thường bị tác động từ ý kiến của bác sĩ hay những bà mẹ khác (người quen hoặc người cùng tham gia hội nhóm, diễn đàn chăm sóc con cái). Từ đó, bạn có thể viết về sản phẩm dưới góc nhìn của chuyên gia hoặc những khách hàng đã sử dụng và hài lòng về chất lượng của sản phẩm.
Vậy có những cách nào để tiếp cận, có cái nhìn đa chiều và thực sự hiểu tâm lý khách hàng? Trước hết, để hiểu người dùng, bạn hãy trò chuyện với họ. Những câu chuyện là cầu nối để bày tỏ tâm tư cùng những lo âu, trăn trở của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, content writer có thể tham gia và theo dõi những hội nhóm của khách hàng tiềm năng trên các trang mạng xã hội. Chú ý “đào insight” qua những bài viết, câu hỏi hay bình luận được đăng tải. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tin nhắn trong boxchat hay nói chuyện cùng team sales - những người tiếp xúc trực tiếp với người dùng để biết những trăn trở khách hàng hay chia sẻ là gì?
3. Lên kế hoạch
Cuối cùng, để chữa căn bệnh bí ý tưởng, bạn cần lập một kế hoạch chi tiết cho những bài đăng trên fanpage theo tuần hoặc tháng.
Khi đã nắm được chủ đề cần triển khai và deadline cụ thể, content writer sẽ tránh được câu hỏi “hôm nay viết gì” hay trạng thái mệt mỏi, áp lực khi không nghĩ ra ý tưởng. Không chỉ vậy, với những nội dung cần được đầu tư như nội dung dưới dạng video clip, hay bài phỏng vấn chuyên gia, content writer sẽ chủ động thời gian trong khâu chuẩn bị như lên ý tưởng kịch bản, tìm địa điểm quay, liên hệ các bên liên quan…
Để lập kế hoạch chi tiết, content writer sẽ cần xác định mục tiêu rõ ràng cho nội dung ở từng thời điểm. Có ba loại mục tiêu chính là: (1) Xây dựng thương hiệu, (2) Tăng tương tác & (3) Bán hàng. Mục tiêu là căn cứ để phân bổ các bài đăng sao cho phù hợp. Ví dụ, nếu tháng này cần tăng doanh số bán hàng thì tỷ trọng những bài viết bán hàng sẽ nhiều hơn.
Đối với bảng kế hoạch tổng, content writer nên chia thành nhiều pillar (nội dung trụ cột), trong mỗi pillar gồm những angle (nội dung triển khai). Mỗi angle sẽ có định dạng và các thông tin về nhân sự phụ trách, budget, thời gian đăng, deadline nộp bài…Một bản kế hoạch chỉn chu, đầy đủ các yếu tố nêu trên sẽ là chìa khóa để bạn thoát khỏi câu hỏi “Hôm nay đăng gì?”.
Trên đây là ba bài thuốc được kê đơn riêng cho căn bệnh bí ý tưởng của content writer. Hiểu rõ về thương hiệu, sản phẩm & dịch vụ, hiểu rõ về khách hàng và lên kế hoạch nội dung chi tiết sẽ giúp bạn tránh khỏi việc phải vò đầu bứt tai nghĩ ý tưởng để chạy deadline. Nếu muốn học bài bản về Content, mời bạn tham khảo khóa học Content Marketing tại Markus School.