Một vòng quanh thế giới Marketing - Bạn phù hợp với vị trí nào?

Lựa chọn một công việc tại Agency, Client hay Supplier là điều băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ, nhất là khi mới rời khỏi giảng đường đại học. Để giúp bạn xác định rõ hơn và đưa ra quyết định phù hợp, bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các vị trí trong từng môi trường làm việc. 

Các vị trí tại Agency, Client và Supplier được giới thiệu trong bài viết này dựa trên mô hình Marketing World theo ngành FMCG. Mô hình Marketing của FMCG vẫn là mô hình được khuyến khích học tập bởi ngành này có tần suất tung hàng nhanh, bộ phận Marketing có thể tham gia sâu vào giai đoạn phát triển sản phẩm (do bản chất sản phẩm không quá phức tạp). 

1. LÀM GÌ Ở THẾ GIỚI AGENCY? 

Agency là...

Agency là các đơn vị chuyên tư vấn, cung cấp dịch vụ và giải pháp tiếp thị, quảng cáo cho các công ty, doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ một cách chuyên nghiệp, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi và tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn. 

Bạn phù hợp với Agency nào? 

Hiện nay, có 6 loại hình Agency phổ biến:

Research Agency là những agency chuyên về khảo sát thị trường. Những agency này nghiên cứu thị trường thông qua các hình thức bảng hỏi, phỏng vấn chuyên sâu, phỏng vấn qua điện thoại… thu thập các thông tin, phân tích kết quả để giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc hơn về tâm lý, hành vi của các nhóm khách hàng khác nhau. Một số Research Agency nổi tiếng có thể kể đến như: Buzzmetrics, Nielsen, Gcomm Vietnam…

Digital Agency là loại hình agency phổ biến nhất tại Việt Nam, chuyên đảm nhận trách nhiệm truyền thông, quảng cáo và tiếp thị sản phẩm qua các kênh truyền thông số (digital). Một số Digital Agency lớn ở Việt Nam là: Admirco, Clever Ads, Nova Ads, Time Universal...

PR Agency là agency chuyên cung cấp các dịch vụ quan hệ công chúng, giúp doanh nghiệp duy trì hình ảnh thương hiệu trước công chúng. Các PR Agency cũng thực hiện các hoạt động truyền đạt các thông tin từ doanh nghiệp, giải quyết các khủng hoảng truyền thông, và tiếp nhận, xử lý, quản lý những feedback của công chúng về thương hiệu của doanh nghiệp khách hàng. Một số PR Agency tại Việt Nam như: T&A Ogilvy, Galaxy Communications, Redder...

BTL Agency là những agency chuyên cung cấp các dịch vụ, giải pháp Marketing nhắm đến một đối tượng cụ thể với mục đích tạo ra sự tương tác trực tiếp, tăng sự trung thành của khách hàng, thúc đẩy họ tìm hiểu và sử dụng sản phẩm. Hãy nhớ lại những lần bạn dùng thử đồ ăn, trải nghiệm sản phẩm trong siêu thị, đó chính là một ví dụ của BTL. Một số BTL Agency nổi bật như: MSV Group, M.C, OHOO...

Media Booking Agency là những agency chuyên tư vấn cho công ty, doanh nghiệp cách thức hoặc các kênh đăng tải thông tin truyền thông quảng cáo hiệu quả và phù hợp với đối tượng mục tiêu; giúp công ty, doanh nghiệp phô bày được những mặt tích cực và hình ảnh thương hiệu. Các agency hoạt động tập trung vào loại hình này là Media Lab, Sao Kim Branding, BC Agency...

Event Agency là những agency chuyên cung cấp các dịch vụ tổ chức sự kiện như sự kiện từ thiện, lễ ra mắt sản phẩm, lễ kỷ niệm cho các tổ chức, doanh nghiệp. Tại Việt Nam, một số Event Agency nổi tiếng như Young Entertainment, Golden Event-PR, Cyber Show, DCT Event...


Làm gì ở Agency? 


Planner 

Trong một chiến dịch quảng cáo, với vai trò “hoa tiêu”, Planner chính là người kết nối hai đầu cầu: khách hàng & đội ngũ internal. Khách hàng thường quan tâm về câu chuyện kinh doanh, về nhân sự, về doanh số. Team nội bộ thì chuyên về nghiệp vụ, sáng tạo nên khó có “tiếng nói chung” với khách hàng. Planner được coi là người đứng giữa, “phiên dịch viên” của hai bên.  Đây là vị trí quan trọng để cùng team nội bộ đưa ra giải pháp cho bài toán doanh nghiệp đặt ra.

Để làm được như vậy, planner không những là người am hiểu về khách hàng, thị trường, có khả năng nghiên cứu, hiểu tâm lý khách hàng mà còn là người sở hữu khả năng sáng tạo, thuyết phục và kỹ năng trình bày chiến lược theo một cấu trúc hợp lý và hấp dẫn. 

Account

Account là một vị trí điển hình trong agency, cũng là bộ phận chuyên trách về dịch vụ khách hàng. Trong một agency, Account là đầu mối làm việc trực tiếp với khách hàng, cũng là người kết nối khách hàng với các nhân sự thực hiện dự án. Vì thế, vị trí này còn được so sánh như nghề “làm dâu trăm họ”. Các công việc của Account tại Agency là:

- Tìm kiếm khách hàng, tiếp nhận brief và liên hệ với khách hàng.

- Đề xuất, tư vấn và tham gia vào quá trình làm proposal gửi khách.

- Trình bày đề xuất, ý tưởng, cố gắng bán ý tưởng cho khách hàng.

- Sau khi “chốt sales”, Account sẽ là người quản trị dự án, theo sát tiến độ, quản lý các bộ phận thực thi trong agency để đưa ra sản phẩm tốt nhất tới khách hàng. Họ cũng chịu trách nhiệm tiếp nhận phản hồi, tư vấn và đốc thúc các đội thực hiện chỉnh sửa cho đến khi sản phẩm cuối được khách hàng chấp nhận. 

- Cuối cùng, khi chiến dịch, hợp đồng kết thúc, Account là người làm báo cáo tổng kết, thanh lý hợp đồng, nhận thanh toán và tiếp tục chăm sóc khách hàng. 

Creative

Creative là bộ phận sáng tạo trong agency, có vai trò đưa ra ý tưởng, hình ảnh, từ ngữ để truyền tải thông điệp truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau như quảng cáo truyền hình, ấn phẩm, radio, bao bì sản phẩm, điểm bán hàng. Đây được coi là bộ phận tập hợp những cá nhân đầy cá tính, nhiều màu sắc. Hai vị trí thường gặp nhất là Copywriter (phụ trách phần chữ) và Art Director (phụ trách định hướng phần hình ảnh).

2. VÒNG QUANH THẾ GIỚI CLIENT

Client trong truyền thuyết là...

Client chính là khách hàng của Agency. Các công ty khách hàng bao gồm các công ty sản xuất, cung cấp sản phẩm và dịch vụ, có nhu cầu thuê/mua dịch vụ của agency để thực hiện các hoạt động Marketing quảng bá sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng mục tiêu theo yêu cầu của mình. Client chính là người nắm rõ kế hoạch Marketing, đưa ra đề bài (brief) cho các agency, giám sát việc thực hiện và chịu trách nhiệm về công việc kinh doanh mình phụ trách. Các công ty lớn điển hình trong lĩnh vực này tại Việt Nam là Coca-Cola, P&G Vietnam, Unilever Vietnam, Biti’s, Pepsico, Vinamilk...

Nếu ứng tuyển bên phía Client, bạn có thể làm...

Tại client, các vị trí chủ chốt của bộ phận Marketing sẽ bao gồm:

Nghiên cứu (Research)

Hoạt động của đội ngũ nhân sự này sẽ tập trung vào việc nghiên cứu khách hàng. Nhiệm vụ của nhóm này là thu thập các thông tin về khách hàng và thị trường, từ đó, đưa ra các đánh giá phục vụ hoạt động chung của phòng/ban. Họ chính là cầu nối giữa khách hàng - thị trường và thương hiệu. 

PR (Quan hệ công chúng)

Vị trí này sẽ quản lý các mối quan hệ giữa công ty và bên ngoài, có thể coi là “bộ mặt” của công ty. Nhân viên PR sẽ là người xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc mạnh mẽ xung quanh công ty để đảm bảo duy trì mối quan hệ tốt với công chúng, nâng cao nhận thức về thương hiệu của công ty trong mắt khách hàng mục tiêu. 

Dịch vụ khách hàng (Customer Service)

Vị trí dịch vụ khách hàng chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động tương tác, hỗ trợ của doanh nghiệp tới khách hàng trong suốt quá trình trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ; giúp khách hàng cảm thấy hài lòng và các nhu cầu của họ đều được đáp ứng trọn vẹn trước, trong và sau khi mua hàng. Đây được coi là dịch vụ kèm theo trong quá trình giao dịch Marketing nhằm gia tăng sự hài lòng và yêu mến của khách hàng với thương hiệu. 

Thương hiệu (Brand Team)

Đây là đội phụ trách các hoạt động xây dựng và phát triển hình ảnh của một thương hiệu trong công ty, khiến khách hàng thay đổi suy nghĩ về thương hiệu, gia tăng tình yêu, lòng trung thành với thương hiệu. Nhờ vậy, thương hiệu có thể bán được nhiều hàng hơn và phát triển thị phần của mình. Brand Team là vị trí cốt lõi nhất-định-phải-có trong các công ty tiêu dùng nhanh. Với đặc điểm tần suất đẩy hàng nhanh, nhiều đối thủ, sản phẩm thay thế, sản phẩm tiêu dùng nhanh buộc có thương hiệu để tồn tại trong tâm trí khách hàng. Đó là lý do dù tinh giản các bộ phận khác, một công ty FMCG không thể mất đi Brand Team. 

Truyền thông số (Digital)

Đội ngũ truyền thông số là những người làm việc liên quan đến sử dụng các kênh truyền thông số (digital) để tạo ra leads và xây dựng nhận diện thương hiệu (brand awareness). Người làm ở vị trí này có kỹ năng sử dụng các công cụ đo lường để tìm ra điểm yếu và phương án cải thiện hiệu suất trên các kênh digital. 

Phòng vận hành (Operation)

Như tên gọi, chức năng của bộ phận này là duy trì, vận hành các hoạt động trong doanh nghiệp, đảm bảo các bộ phận khác phối hợp với nhau trơn tru, hiệu quả. 

Marketing Communications (Marcom)

Vị trí này chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm sáng tạo và truyền thông để đưa sản phẩm, dịch vụ tới tay khách hàng thông qua một hoặc kết hợp nhiều kênh như Google Adwords, Facebook, Email Marketing, SEO, Báo chí, Truyền hình… để mang lại hiệu quả tốt nhất. Số lượng các kênh và quy mô cần phụ thuộc vào nhân lực, ngân sách và mục tiêu của công ty.


3. CÓ THỂ BẠN MUỐN LÀM SUPPLIER? 

Supplier là...

Supplier (Nhà cung ứng) là những tổ chức hoặc cá nhân cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho một tổ chức, doanh nghiệp, thực thể khác. Mỗi công ty có thể có một hoặc nhiều hơn một nhà cung ứng - đơn vị đảm nhiệm việc cung cấp nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm, dịch vụ cho công ty.

Các loại hình Supplier phổ biến trong Marketing

Trong mối quan hệ giữa Agency - Client và Supplier, một số dịch vụ, sản phẩm các nhà cung ứng thường cung cấp như:

CRM/IT

Đây là các công cụ, sản phẩm công nghệ phục vụ quá trình chăm sóc và quản lý thông tin khách hàng như hệ thống CRM (Customer Relation Management).

Dịch vụ in ấn (Printing)

Các Supplier chuyên cung cấp các dịch vụ in ấn chuyên nghiệp, giúp Agency và Client tạo ra các ấn phẩm Marketing và Truyền thông hiệu quả. Một số ấn phẩm truyền thông như tờ rơi, poster, băng rôn...

Quà tặng (Marcom Gift)

Loại hình Supplier này cung cấp các dịch vụ, sản phẩm quà tặng truyền thông, phục vụ các sự kiện ra mắt, quảng bá sản phẩm hay quà tặng give-aways dành cho khách hàng. 

Tuyển chọn diễn viên (Casting agents)

Đây là các Supplier chuyên cung cấp các dịch vụ giúp Agency và Client trong công việc tuyển chọn diễn viên cho các sản phẩm như TVC, video quảng cáo...

Photo Studio

Các Supplier cung cấp dịch vụ chụp ảnh chuyên nghiệp như bộ ảnh doanh nghiệp, ảnh sản phẩm...

Nhà sản xuất (Production House)

Production House là những công ty chuyên sản xuất quảng cáo, cung cấp các cơ sở vật chất và các dịch vụ khác có liên quan theo đơn đặt hàng của Agency hoặc Client. Production House còn có thể sản xuất những dự án trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật truyền thông, phim, truyền hình, đài phát thanh, truyện tranh, nghệ thuật tương tác, trò chơi, trang web và video.

Content House

Content House là những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ sản xuất nội dung trên nhiều nền tảng khác nhau như mạng xã hội, website… theo yêu cầu của Agency hoặc Client. 

Design House

Design House là những công ty, tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ thiết kế chuyên nghiệp theo yêu cầu, đặt hàng của Agency hoặc Client. 


Các vị trí Marketing ở Agency, Client hay Supplier đều khá đa dạng và đòi hỏi tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi. Chúc bạn sớm tìm được một môi trường làm việc phù hợp và hy vọng rằng, bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thế giới Marketing đầy sôi động và thử thách!