Nguyễn Thành Long: Đi dạy học dễ làm hại nhiều người!

28 tuổi, hiện đang là Giám đốc Học Viện Marketing Cốc Cốc. Thành Long trước đây từng phụ trách Marketing cho nhiều công ty về khởi nghiệp, chàng trai đam mê thử thách này tiếp tục dấn thân với một công việc khá mới nhưng cũng gần gũi với kinh nghiệm của mình: Giảng dạy về Marketing.

Được đồng nghiệp giới thiệu gửi Facebook và Linkedin trước khi gặp Thành Long phỏng vấn, một hồ sơ làm việc khá ấn tượng và cuộc sống rất đầy màu sắc. Gặp tôi ở một quán café yên tĩnh ở Sài Gòn, Long gọi điện để tìm tôi, không tin nổi vào mắt mình, tôi không nghĩ đây sẽ là người tôi dự định phỏng vấn. Thành Long dáng người nhỏ, mảnh khảnh, khác hoàn toàn với tưởng tượng của tôi. Tôi đã nghĩ Long cao 1m70. Da mặt anh ngai ngái xanh trắng, lấm tấm tàn nhang ở hai xương gò má. Long vừa cười vừa trả lời tôi khi đã không kịp nhận ra anh: “Em có bao giờ đọc tin tức là: vì mặt không giống với ảnh đại diện nên bị đánh không? Là tôi đó!”. Chàng trai trẻ trước mắt tôi cười ha hả sau câu nói và nhanh chóng ngồi vào bàn bắt đầu buổi phỏng vấn.

Nguyen-Thanh-Long-Di-day-hoc-de-lam-hai-nhieu-nguoi-09 (2)

“Tôi không phải là thầy giáo!”

07 năm làm trong lĩnh vực Marketing, giờ đây lại phụ trách Học Viện Marketing Cốc Cốc. Tại sao anh lại quyết định rẽ ngang làm thầy giáo như vậy?

(cười) Tôi không phải thầy giáo. Chỉ là người đứng lớp, hoặc trịnh trọng có thể gọi là giảng viên. Nhưng thầy giáo thì không phải. Dù là đứng lớp dạy học, nhưng tôi vẫn dạy về Marketing, vẫn đúng chuyên môn của mình đó chứ. Thành ra rẽ ngang không hoàn toàn chính xác lắm, nó là sự chuyển biến khác của công việc cũ: đem những kinh nghiệm và những gì mình học được chia sẻ cho những người khác cần hơn.

“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” –  đây cũng là một nghề rất cao quý, tôi nghĩ anh cũng sẽ thích khi được người khác gọi là thầy chứ?

Chẳng phải như bạn đã nói sao? Làm thầy – là một nghề cao quý, tôi và bạn đã từng cắp sách đến trường, cùng học những người thầy. Họ đã phải trải qua những chương trình đào tạo chính quy nhiều năm liền, đứng lớp, chong đèn chấm bài đêm khuya – soạn giáo án, học trò đối với họ như con cái,… Bình thường học viên, thậm chí những người lớn tuổi hơn cả ba mẹ tôi vẫn gọi tôi là thầy, cúi đầu chào tôi khi ra về, nhưng không có nghĩa tôi là thầy. Vì để là một người thầy thật sự, không phải cứ đứng trên lớp giảng bài thì đã thành được. Huống chi tôi mới bắt đầu với công việc này chưa đầy 1 năm trời.

Anh không chọn làm thầy, vậy điều gì mô tả đúng nhất công việc của anh bây giờ?

Học viện Marketing Cốc Cốc do tôi phụ trách được ra đời với mục đích giúp đỡ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong công việc Marketing Online. Có hai thực tế kinh doanh tại Việt Nam: một là bắt chước rất nhanh và hai là sự thay đổi về công nghệ hay cụ thể hơn về internet cũng quá nhanh.

Người kinh doanh ở Việt Nam giờ đây cần trang bị kiến thức, đặc biệt về Marketing Online để có thể cạnh tranh và cải thiện kinh doanh – theo kịp được với những thay đổi xung quanh. Hình thức lớp học là phương thức có thể nói là dễ nhất để đem những kiến thức, kinh nghiệm thực tế tôi có, truyền đạt lại cho các chủ doanh nghiệp. Và tất nhiên nhiều những công việc khác nữa, làm sao cuối cùng vẫn là giúp doanh nghiệp Việt Nam làm tốt hơn về Marketing Online, cải thiện việc kinh doanh của họ.

nguyen-thanh-long-di-day-hoc-de-lam-hai-nhieu-nguoi-06Lớp học của Thành Long tại Cốc Cốc

“Không làm được nên mới ra đi dạy”

Như anh vừa đề cập, sự thay đổi về công nghệ – internet quá nhanh, kinh nghiệm 07 năm trong Marketing Online có thể là nhiều với các chủ doanh nghiệp, nhưng rõ ràng không phải quá nhiều so với những người làm Marketing khác. Làm thế nào để anh chắc chắn rằng anh giúp được họ thông qua kiến thức – kinh nghiệm của mình?

Tôi đã từng nghe ai nói rằng, có hai nghề có thể gây hại cho người khác nhiều nhất đó chính là: bác sĩ và dạy học. Cá nhân tôi thấy câu này khá đúng, cái sự dở hay giỏi của bạn không chỉ là vấn đề của riêng bạn mà nó còn ảnh hưởng tới nhiều người khác. Kinh nghiệm của tôi vẫn còn khá ít so với các bậc đàn anh đàn chị khác trong ngành, đó là điều cần thừa nhận. Vì vậy tôi rất thận trọng trong công việc giảng dạy của mình và có những nguyên tắc rất riêng.

Khi soạn bài giảng, bất cứ điều gì được đề cập phải có luận cứ, luận chứng đầy đủ. Trước khi đứng lớp, luôn dành thời gian tối thiểu 1 tiếng đồng hồ để nghĩ lại về bài giảng, chỉnh sửa nếu cần thiết. Luôn dành thời gian tự học thông qua việc đọc và tự nghiên cứu các vấn đề các khách hàng mà tôi đã từng tiếp xúc trong lớp học. Và thực ra, hằng ngày khi đứng lớp, cứ mỗi lần mình nghĩ cách truyền đạt làm sao cho người học dễ hiểu hơn là một lần mình được học nhiều hơn. Hoặc khi lắng nghe những vấn đề của chủ doanh nghiệp tôi lại học thêm rất nhiều điều mới, từ các ngành nghề kinh doanh khác nhau. Cuối cùng, điều quan trọng nhất, như tôi đã nói: “Tôi có thể làm hại người khác – thậm chí các doanh nghiệp bằng chính những gì tôi truyền đạt. Chính tâm niệm đó giúp tôi sẽ làm tốt hơn công việc của mình mỗi ngày.”

2=06

Theo anh, trong chính công việc của mình, như thế nào mới gọi là giỏi?

Vì dạy cho các chủ doanh nghiệp là chủ yếu, học viên đa phần là những bậc đàn anh, đàn chị, đến giờ đã đứng lớp được hơn 1.000 người rồi, nhưng chưa lần nào tôi hết run khi bắt đầu những bài giảng của mình. Luôn cảm thấy mình thiếu sót ở đâu đó, sợ mình sẽ nói điều gì sai. Cá nhân tôi nghĩ đó chính là cái neo đã kéo tôi lại, để bản thân không tự mãn mà không ngừng cố gắng, cải thiện.

Tôi từng được một bạn Tây, sống ở Việt Nam hơn 3 năm hỏi tôi rằng: “Mày có biết tại sao ở Việt Nam nhiều người đi dạy như vậy không?”. Tôi lắc đầu. Bạn ấy trả lời rằng: “Vì người ta không làm được nên mới đi dạy. Và mày đừng như vậy, mày phải khác.” Câu nói như tát thẳng vào mặt tôi lúc đó. Không bàn câu nói đó đúng hay sai, nhưng chính nó ảm ảnh tôi: “Không. Tôi không được là con người như thế.  Dạy về Marketing điều tiên quyết là người đứng lớp không chỉ có kinh nghiệm thực tế, mà kinh nghiệm đó phải tạo ra được thành công, thành quả nhất định.”

Câu hỏi cuối cùng, vậy các học viên đã tham gia lớp của anh có nhìn nhận anh đủ giỏi không?

(Cười lớn) Câu trả lời quá khó. Bạn có thể hỏi học viên của tôi mà. Thật may là đến giờ sau lớp học vẫn có nhiều anh chị muốn gặp riêng tôi, nhờ tôi tư vấn thậm chí cộng tác cùng. Nhưng tin tôi đi, nghề nào cũng vậy, muốn làm lâu, muốn đi xa thì phải thật sự tử tế. Mọi tri thức của nhân loại bây giờ đều được tiếp cận một cách rất dễ dàng, dạy không tử tế thì sớm muộn cũng bị thị trường đào thải thôi.