Thiếu cảm hứng, làm sao có ý tưởng sáng tạo?

Ai cũng hiểu rằng, cảm hứng là một yếu tố quan trọng trong sáng tạo.
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy nguồn cảm hứng. Có những lúc deadline đã sát sườn, nhưng vẫn bế tắc chưa thấy cảm hứng để ra sản phẩm.
Vậy phải làm sao?

Bài viết này sẽ giới thiệu với bạn 5 bước để có ý tưởng xuất sắc cho quảng cáo sáng tạo của bạn. Áp dụng 5 bước này, bạn sẽ có thể đưa ra những ý tưởng tuyệt vời kể cả khi không có cảm hứng. 5 bước quan trọng này được chia sẻ bởi chị Trâm Bùi – Creative Lead của Time Universal Commnunications – trong workshop về creative idea Ý tưởng sáng tạo) vừa qua của Markus.

Creative là gì? Làm creative là làm gì?

Creative là thuật ngữ chỉ những người làm công việc “sáng tạo”. Cái đó thì ai cũng biết. Nhưng cụ thể creative làm gì thì không phải ai cũng biết. Bộ phận creative được chia làm 2 nhánh nhỏ hơn: Copywriter và Art Director.

Trong khi Art Director chuyên lo phần hình ảnh, làm sao cho quảng cáo lên thật đẹp, thật bắt mắt, thì Copywriter sẽ lo phần “chữ nghĩa”. Tất cả những dòng bạn đọc trên một tấm billboard ngoài trời, hay những câu thoại bạn nghe trong một TVC quảng cáo, đều do một tay Copywriter lo liệu. Creative không chỉ làm TVC quảng cáo như mọi người thường nghĩ, creative còn làm những sản phẩm khác như print ad, billboard, xây dựng kế hoạch cho những chiến dịch outdoor, event, activation, hay cả digital campaign… Tất cả những gì creative làm ra đều nhằm một mục đích cuối cùng: giúp nhãn hàng bán được sản phẩm.

Chính vì mục tiêu đó, sản phẩm sáng tạo phải đạt được 2 tiêu chí: tính logic và tính thú vị. Nếu một quảng cáo thú vị nhưng thiếu logic, thì sẽ gây cho khách hàng cảm giác không thật. Còn nếu một quảng cáo chỉ tập trung vào logic mà không có sự mới lạ, khách hàng sẽ không để tâm đến, vì họ đã nhìn thấy quá nhiều điều tương tự.

quảng cáo sáng tạo
Print ad vừa thú vị vừa logic của Sunlight với ý tưởng Separate Them – tách mùi thức ăn ra khỏi bát đĩa

Học cách tư duy sáng tạo trong quảng cáo cũng có thể áp dụng được trong social content, dù đó không phải mục đích chính.

5 bước quan trọng để đưa ra ý tưởng “dùng được”

Có những ý tưởng nghe qua rất sáng tạo, rất hay ho nhưng không thể áp dụng được vào thực tiễn, do rất nhiều lý do. Có thể ý tưởng sáng tạo bay bổng quá thành ra bay mất hút, xa rời thực tế, hoặc là đã được dùng rồi, hoặc là không phản ánh đúng tính chất của nhãn hàng… Sau đây là 5 bước để bạn có thể tạo ra những ý tưởng sáng tạo “dùng được” kể cả khi không có hứng.

Bước 1: Nhận định vấn đề.

Ý tưởng không phải tự dưng mà có, ý tưởng phải là giải pháp giải quyết một vấn đề thực tế mà khách hàng đang gặp phải. Tuy nhiên, không phải lúc nào vấn đề cũng được nhìn ra luôn ngay từ đầu. Do đó, cần phải dựa vào brief để suy nghĩ và tư duy để nhận định trúng vấn đề đang cần giải quyết.

Có thể lấy một ví dụ thực tiễn: Một toà nhà văn phòng 10 tầng chỉ có một thang máy. Thang máy của toà nhà luôn gặp tình trạng quá tải do thường xuyên có quá đông người đi, khiến mọi người phải chờ đợi rất lâu và khó chịu. Để đưa ra được giải pháp đúng đắn cho toà nhà, cần phải nhìn nhận chính xác vấn đề. Vấn đề thực tế ở đây là gì? Có phải là do mọi người đi thang máy quá nhiều mà không sử dụng thang bộ, gây ùn tắc? Thực tế là, mọi người phàn nàn và khó chịu do phải chờ đợi quá lâu và không có việc gì làm trong lúc chờ đợi. Do đó, toà nhà đã đưa ra giải pháp: lắp gương xung quanh hành lang thang máy. Trong lúc đợi, mọi người có thể sửa sang lại quần áo, hay soi gương make up… Đây là một biện pháp đã được áp dụng thực tế. Mọi người có việc để làm, và số lượng phàn nàn giảm hẳn.

Bước 2: Tập hợp thông tin

Sau khi nhận định được vấn đề, cần phải tập hợp đủ thông tin của sản phẩm. Nếu không hiểu về sản phẩm, ý tưởng của bạn đưa ra rất dễ bị “lệch hướng”. Có 2 dạng thông tin cần thu thập:

Dạng 1: Facts (thực tế). Trong thời đại thông tin hiện nay, rất dễ để tìm ra fact về sản phẩm. Đó có thể là từ báo chí, internet, hoặc bạn có thể trò chuyện trực tiếp với đại diện nhãn hàng, với công nhân sản xuất trong xưởng, hay với chính người tiêu dùng sản phẩm… Rất nhiều nguồn có thể thu thập những sự thật như thế này.

Dạng 2: Insights (sự thật ngầm hiểu). So với dạng 1, dạng thông tin này thường rất khó tìm, đòi hỏi sự quan sát, suy nghĩ, tư duy, và sự thấu hiểu khách hàng. Cần biến mình thành một đứa trẻ và luôn đặt câu hỏi vì sao. Tò mò chính là một trong những tố chất quan trọng của người làm sáng tạo.

Tìm kiếm insight là bước quan trọng để bắt tay vào tạo ra ý tưởng sáng tạo.
Tìm kiếm insight là bước quan trọng để bắt tay vào tạo ra ý tưởng sáng tạo.

Bước 3: Tìm kiếm ý tưởng

Sau khi thu thập được đủ thông tin, chúng ta sẽ bắt đầu tìm được ý tưởng. Có rất nhiều cách để tìm ý tưởng, và không có công thức nào chung cho ý tưởng. Tuy nhiên, có 2 cách sau bạn có thể áp dụng cho công cuộc tìm kiếm ý tưởng của mình:

Cách 1: Liên tục đặt câu hỏi dạng so what? Ví dụ khi được giao lên ý tưởng quảng cáo cho sản phẩm nước rửa bát không hại da tay, bạn hãy đặt những câu hỏi dạng: Nước rửa bát mà không hại da tay thì sao? => Thì tay sẽ đẹp. Tay đẹp thì sao? => Tay đẹp thì có thể làm hand model… Cứ đi dần dần như thế cho đến khi tìm ra được cách giải quyết vấn đề.

Cách 2: Liên kết quảng cáo của mình với một sản phẩm ngẫu nhiên. Rất nhiều quảng cáo đi từ sự ngẫu nhiên như thế này. Hãy thử tìm mối liên hệ giữa sản phẩm của bạn với những thứ nghe có vẻ không liên quan, ý tưởng có thể bắt nguồn từ đây.

Càng nhiều gợi ý, ý tưởng thì càng dễ chọn ra những phương án khả thi
Càng nhiều gợi ý, ý tưởng thì càng dễ chọn ra những phương án khả thi

Không phải ý tưởng nào cũng hay. Do đó, cần phải nghĩ ra thật nhiều ý tưởng để lựa chọn. Đối với một sản phẩm, không phải chỉ cần đưa ra 1 – 2 ý tưởng là đã đủ. Càng nhiều ý tưởng, bạn càng có cơ hội so sánh xem cái nào tối ưu hơn và phù hợp hơn với nhãn hàng.

Bước 4: Lựa chọn ý tưởng

Từ những ý tưởng được đưa ra ở bước 3, chúng ta sẽ tiến hành đánh giá, so sánh và lựa chọn ra ý tưởng hay nhất. Có 2 bộ tiêu chí để lựa chọn ý tưởng:

Bộ tiêu chí 1: Quy tắt SMILE.

SMILE là viết tắt của Simple, Memorable, Interesting, Link to brand, Emotional involving & liked. Một ý tưởng tốt thường là một ý tưởng đơn giản nhưng thú vị và dễ nhớ. Điều bắt buộc là phải có sự liên kết được với nhãn hàng, để khách hàng có thể nhớ tới nhãn hàng sau khi xem. Và một quảng cáo tốt thường tác động tới những cảm xúc của người xem. Không nhất thiết  lúc nào cũng phải rơi nước mắt, cảm xúc có thể là vui, buồn, xúc động, ngạc nhiên, hay thú vị… và phải làm “cho tới”.

Bộ tiêu chí 2: Thang humankind – triết lý của Leo Burnett.
Humankind là triết lý quảng cáo được đưa ra bởi agency nổi tiếng thế giới Leo Burnett. Quảng cáo phải làm cho mọi người thay đổi cách sống, thay đổi thói quen, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Thang Human Kind của Leo Burnett
Thang Human Kind của Leo Burnett

Thang humankind có 10 điểm. Từ 1 – 6 là để bán hàng. Còn từ 7 – 10 là để thay đổi hành vi của người tiêu dùng, thay đổi cách sống, cách nghĩ của mọi người. Điểm càng cao thì tính nhân văn trong quảng cáo và tầm ảnh hưởng đến xã hội càng cao. Rất hiếm quảng cáo đạt được điểm 9 hoặc 10. Kể cả quảng cáo lên đến điểm 6 cũng đòi hỏi một quá trình sáng tạo rất vất vả.

 

Omo đang cố gắng thay đổi hành vi khách hàng. Thay vì giữ con thật sạch sẽ, Omo khuyến khích các bà mẹ cho con mình thoải mái vui chơi và khám phá.
Omo đang cố gắng thay đổi hành vi khách hàng. Thay vì giữ con thật sạch sẽ,
Omo khuyến khích các bà mẹ cho con mình thoải mái vui chơi và khám phá.

Omo đang cố gắng thay đổi hành vi khách hàng. Thay vì giữ con thật sạch sẽ,
Omo khuyến khích các bà mẹ cho con mình thoải mái vui chơi và khám phá.

Bước 5: Thể hiện và trình bày ý tưởng.

Sau khi lựa chọn xong ý tưởng, cần phải trình bày ý tưởng của mình ra thành sản phẩm. Không hề có sự khác biệt nào giữa việc không có ý tưởng, và có ý tưởng nhưng bỏ mặc nó. Có những ý tưởng cần phải đưa ra thực hiện thì mới đào sâu được.

Trình bày ý tưởng sáng tạo của bạn. Trong workshop, các bạn tham dự đã được thử triển khai ý tưởng quảng cáo cho keo dính Super glue thông qua hình vẽ
Trình bày ý tưởng sáng tạo của bạn. Trong workshop, các bạn tham dự đã được thử triển khai ý tưởng quảng cáo cho keo dính Super glue thông qua hình vẽ

Khi triển khai ý tưởng, cần phải thật sự quan tâm đến tiểu tiết. Tiểu tiết thường là những cái bị coi nhẹ. Tuy nhiên, từng dấu chấm, dấu phẩy, hay thêm bớt một từ đều có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và cách mà người xem tiếp nhận sản phẩm quảng cáo của bạn.

Tham khảo ngay Talkshow “Creative Agency Guide – Bơi thế nào trong biển sáng tạo?” dành cho các bạn sinh viên đang mong muốn theo đuổi ngành quảng cáo sáng tạo, làm việc trong các Creative Agency thứ thiệt như Leo Burnett Vietnam, MullenLowe, Phibious, Time Universal…

14993404_1297019026995644_6362627733839590998_n