Ước mơ lớn nhất của bạn là khiến người khác ngất ngây vì ý tưởng của mình? Tham vọng của bạn là thay đổi đường đi trong ví tiền của khách hàng? Nỗi sợ của bạn là sự buồn tẻ của những công việc ngày qua ngày? “Phê” với bạn là tin nhắn báo lương vài ngàn đô vừa chảy vào tài khoản?
Nếu gật gù với tất cả những điều trên, Xin chúc mừng bạn đã thấy được miền đất lý tưởng của mình trong nghề Trade marketing rồi đó.
Trước khi tìm hiểu chi tiết lộ trình của một Trade Marketer bạn cần lưu ý:
– Không có gì gọi là đường tắt. Trade Marketing cũng vậy. Kể cả có thể bằng cách nào đó ta đi được đường tắt, nhưng những kĩ năng ít ỏi học được trong thời gian ngắn không thể giúp chúng ta đảm đương được vai trò của mình tại vị trí cao.
– Tin vui là trong quá trình làm việc, hầu như mọi người không phải ai cũng đều trải qua mọi bước đi trong biểu đồ dưới đây. “Nhảy cóc” là điều thường thấy đối với một nhân sự tài năng và có ý chí.
Đối với một Trade Marketer bất kì cần trải qua 5 bước trong sự nghiệp của mình: Internship – Officer – Executive – Assistant Manager – Trade Manager… Dĩ nhiên, mỗi công ty sẽ có tên gọi khác nhau cho từng vị trí, nhưng đây là một lộ trình khá chuẩn với hầu hết các công ty có bộ phận Trade Marketing.
1. Internship
Mọi đế chế đều bắt đầu bằng những viên gạch. Làm intern là bước đầu tiên để bắt đầu vào nghề Trade Marketing.
Tại vị trí này, bạn được công ty đào tạo nghiệp vụ Trade marketing căn bản, được giao phụ trách một nhãn hàng nào đấy và thường xuyên được bám càng theo các anh chị Officer để học hỏi. Mức lương trung bình của bạn khoảng 300 USD/ tháng. Mỗi công ty có khoảng thời gian Internship khác nhau thường sẽ là 6 tháng hoặc 1 năm.
Yêu cầu với bạn? Tốt nhất nên có kinh nghiệm làm Sale và kiến thức về nhãn hàng mà bạn đang làm. Có như vậy bạn mới có thể nắm bắt đúng được tâm lý khách hàng được.
Nguồn: Internet
2. Officer
Nấc thang số 2. Lúc này bạn được phụ trách một nhãn hàng. Đi xa là chuyện thường. Thời gian chính bạn làm việc với các Retailer, triển khai các chương trình khuyến mại, tổ chức các hoạt động xúc tiến tại điểm bán, giám sát và tối ưu hóa trưng bày tại điểm bán.
Mức lương trung bình khi trở thành một Trade marketer chính thức khoảng 500 – 700 USD/tháng.
Yêu cầu cho bạn? Đã có kinh nghiệm tiếp xúc và đàm phán với nhà bán lẻ (Retailer). Nắm rõ được tính cách của nhãn hàng (brand character) bạn được phụ trách.
3. Trade Marketing Executive
Mất khoảng 2 năm làm Officer bạn sẽ lên tới vị trí này. Bạn sẽ được phụ trách một nhóm hàng. Nhiệm vụ chính của Executive là phát triển và thực hiện các kế hoạch Trade marketing tại các điểm phân phối.
Mức lương trung bình khoảng 700 – 800 USD/tháng.
Yêu cầu với bạn? Có khả năng truyền cảm hứng và hỗ trợ các Officer nhánh hàng riêng lẻ dưới sự phụ trách của bạn. Điều phối chuỗi cung ứng, xác định chiến lược tại điểm bán POS. Đảm bảo doanh số.
4. Assistant Manager
Mất khoảng 1 – 2 năm làm Executive bạn sẽ lên Assistant Manager.
Công việc chính của một Assistant Manager là: lên các ý tưởng làm Trade marketing tại điểm bán, triển khai và giám sát các kế hoạch Marketing từ phòng Brand đẩy sang, kiểm soát và giám sát các hoạt động Trade marketing.
Mức lương trung bình khoảng 800 – 1000 USD/tháng.
Nguồn: Internet
5. Trade Manager: Đỉnh cao nghề Trade Marketing.
Công việc chính của một Trade Manager bao gồm: Lên kế hoạch Trade marketing cho phòng Trade, gặp gỡ khách hàng và mở rộng kênh phân phối, phối hợp với Sales cùng xây dựng hệ thống phân phối, tổ chức các chương trình khuyến mại, các chương trình quảng cáo cho hệ thống bán hàng; Đánh giá hệ thống phân phối, hệ thống Sales.
Mức lương trung bình của một Trade Manager khoảng 1500 – 2000 USD/tháng.
Để lên tới vị trí Trade Manager bạn cần có kinh nghiệm khoảng 8 – 10 năm trong nghề Trade. Nếu bạn tham gia các chương trình Management Trainee của các tập đoàn lớn như Unilever, P&G,Pepsi… thì bạn có thể tiết kiệm được khoảng 2 năm.
Trade Manager là đỉnh cao của một Trade marketer nhưng vẫn chưa phải là giới hạn nghề nghiệp của một Trade marketer. Vì sau đó nếu một Trade Manager xuất sắc có thể đảm được vị trí Giám đốc Marketing (Marketing Director) và Chief Marketing Officer.