- Học viết quảng cáo khoá học Copywriting Foudation
- Cách đặt tiêu đề bài viết hay và hiệu quả
- Copywriter – Anh là ai?
- Copywriting – Hiểu đúng, hiểu sâu để bắt đầu
Bạn có mong muốn làm việc trong ngành quảng cáo? Bạn muốn biết dân quảng cáo làm gì, phong cách sống và làm việc của họ như thế nào? Hay bạn quan tâm buổi phỏng vấn của dân sáng tạo khác gì với “dân thường” chúng ta, thì đây là bài viết dành cho bạn. Chào mừng đến với thế giới của những “kẻ-lập-dị”!
1.Làm dâu trăm họ
Chuyện là tuần rồi, một Agency (công ty cung cấp dịch vụ truyền thông/quảng cáo) gọi tôi đến phỏng vấn cho vị trí Copywriter. Anh Managing Director bước vào phòng phỏng vấn, lịch sự bắt tay tôi rồi ngồi xuống. Đầu anh không một sợi tóc, tay xăm trổ những biểu tượng khó hiểu. Lúc ấy ấn tượng của tôi về anh chỉ là xăm hình và đầu trọc thì có gì đó khá đặc biệt.
Anh bắt đầu câu chuyện: “Em có một cái tên đẹp, chào người toàn họ không tên. Em có 2 phút để giới thiệu về mình, Lê Vũ là ai?”. Tôi chia sẻ về về công việc mình muốn làm, những tham vọng mà mình đang theo đuổi, và đi đến kết luận, “Lê Vũ chính là những gì anh ta làm được và là những gì anh ta muốn trở thành, con người em ở hiện tại là kết hợp 2 yếu tố đó.”
Có vẻ anh rất hứng thú với câu trả lời đó, anh liền hỏi, “Tại sao em không giới thiệu em học gì, ở đâu như bao bạn khác?… Tôi chưa kịp trả lời, thì anh lại hỏi tiếp: “Ủa sao học Bách Khoa mà ra làm marketing/advertising? Vậy là làm trái nghề em hả?”
“Dạ, không” – tôi nhanh nhẩu, “Có lẽ học trái ngành thì đúng hơn, do em tiếp xúc với môi trường marketing từ năm 2 đại học rồi anh ạ.”
Có một khoản lặng vài giây, rồi anh liền nghiêm túc hơn, bắt đầu “dằn mặt”: “Không biết mấy anh chị đi trước đã gieo vào đầu các bạn trẻ những mộng tưởng gì về nghề copywriter này, mà hầu hết, anh gặp toàn các bạn trẻ tự cho mình là tài năng, lao động hời hợt, tưởng làm nghề quảng cáo thì phải ăn trắng mặt trơn, ngồi mơ mộng, tài năng thì cũng không, mà đam mê cũng không, rồi cũng chẳng biết đi về đâu. Làm gì có nghề nào “ăn trắng mặt trơn” phải không?
“ Nghề nào cũng phải lao động bằng sức của mình, vinh quang được đổi lấy từ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Copywriter không phải là một nghề dễ dàng, không phải muốn là làm, không phải ngồi suốt ở văn phòng để hưởng lương, không phải cứ viết là có thể đổi chữ lấy tiền.”
Copywriter cũng giống như làm điếm ấy. (Phải chú thích rằng, Agency quảng cáo có văn hóa giao tiếp đôi khi “thô tục”, nhưng chính những câu nói có phần “thô tục” ấy giúp họ thoải mái hơn. Từ đó môi trường sáng tạo của họ không hề có rào cản hay nguyên tắc nào.). Làm điếm thì người ta dày vò thân xác mình, làm Copywriter thì nó dày vò, bào mòn đầu óc em, ít người sống thọ với nghề, nó không hào nhoáng như họ tưởng.
Mà cho dù có làm điếm, cũng phải lao động bằng chính công sức của mình, coi như anh là Tú Bà đi, thì chẳng có Tú Bà nào muốn tuyển một người chỉ muốn ăn trắng mặt trơn nằm không hưởng đồng tiền? Và trong ngành này, anh đã gặp nhiều loại muốn ăn trắng mặt trơn, mơ mộng hão huyền, thiếu năng lực, thiếu cả đam mê, nói thật anh ngán các bạn trẻ tới tận cổ.”
2.Quảng cáo và nghề copywriter
Sau việc chia sẻ quan điểm về nghề, anh quay sang hỏi tôi: “Em quan niệm thế nào về quảng cáo?”
“Quan niệm của em là cho dù làm việc trong ngành nào đi chăng nữa, thì muốn lấy đồng tiền của thiên hạ, thì phải cung cấp giá trị tương đương, thậm chí còn hơn. Tiếp nữa, làm quảng cáo thì càng phải nói thật, quảng cáo không phải là nói láo ăn tiền, mà chính là cung cấp thông tin giá trị cho người tiêu dùng để giúp họ lựa chọn những sản phẩm có giá trị cho cuộc sống của họ….”
Anh gật đầu vỗ đánh đét trên mặt bàn, “Đúng! Những tưởng làm quảng cáo thì ăn nói lừa lọc, nhưng không! Người làm quảng cáo càng giỏi, càng phải nói thật, nói thật, thật đến mức người ta không thể tin nổi, đó mới gọi là quảng cáo đỉnh cao…”
Copywriter là một nghề hết sức thú vị, nhưng cũng không ít trái đắng và cực nhọc. Hôm nay em phải thương bác nông dân vì cánh đồng bị sâu đục phá. Mai thương chị nội trợ không biết chọn loại bột nêm gì để nấu cho chồng một bữa ăn thật ngon. Mốt nữa, thì đứng đường để tìm nguyên liệu cho campaign về “nồi cơm điện”. Ngày khác nữa thì thì mua bao cao su về thổi bong bóng, cắn thử một viên thuốc trị bệnh trĩ thử xem có đắng không rồi tự hỏi tại sao người ta không dùng?
Anh còn kể chuyện, có hôm, khách hàng gọi điện, bảo sao viết quảng cáo bia mà như viết quảng cáo son môi, viết kịch bản quảng cáo nước mắm mà tưởng bán nước hoa, viết bài ủng hộ từ thiện mà tưởng tuồng cải lương… Tại sao viết slogan cho nhãn hàng thời trang mà như quảng cáo cho Dừa bến tre, trái to trái nhỏ, 3 vòng bằng nhau? v.v…”
Sau một hồi nói chuyện, chúng tôi thống nhất với nhau, dân quảng cáo phải sáng tạo song song với đam mê. Tức là phải đam mê sáng tạo, và sáng tạo ra đam mê, nếu không, khó mà sống thọ trong nghề. Không yêu nghề, thì không thể sáng tạo, không biết sáng tạo, sao mà yêu nghề.
Anh chia sẻ rằng: “Những copywriter trẻ tuổi có đầy đủ đam mê và tài năng, thì lại thiếu một “bí kíp” vô cùng quan trọng. Đó là lòng trắc ẩn, sự nhạy cảm, tinh tế cần kết hợp với khả năng quan sát nhạy bén. Những điều đó hoặc là không hoặc sẽ hội tụ đầy đủ ở một người. Đây là yêu cầu giúp người làm quảng cáo kiếm được những nguyên liệu trong cuộc sống để tạo nên những tác phẩm sống động và hiệu quả”.
Copywriter là một nghề rất kén người, vừa đòi hỏi tinh tế nhạy cảm, vừa nam tính mà cũng nữ tính, vừa suy nghĩ logic mà cũng mơ mộng tưởng tượng…. Những thứ đối lập ấy cần dung hòa trong một con người để giúp khách hàng có được những thông điệp truyền thông thật ấn tượng và mang lại hiệu quả.
Với những bạn nào yêu thích nghề quảng cáo, bạn có thể khởi đầu bằng việc dùng Google để search những Job description (JD – mô tả công việc) về vị trí mà bạn mong muốn làm. Từ JD đó, bạn sẽ biết được là mình cần bổ sung những kỹ năng gì, học hỏi thêm những kiến thức gì. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Điều quan trọng là bạn phải xác định rằng, không có nghề nào dễ dàng cả. Bạn cần khả năng, tố chất, và cả đam mê nữa. Hãy để đam mê dẫn dắt bạn, đừng để vẻ bên ngoài của nghề nào đó dẫn dắt bạn, điều đó không an toàn đâu.
Đây là buổi phỏng vấn dài nhất mà tôi từng tham gia, với 3 tiếng 30 phút. Có rất nhiều điều thú vị mà tôi nghĩ rằng một bài viết ngắn sẽ không thể chia sẻ hết với các bạn.
Khi tới dự phỏng vấn, bên nhà tuyển dụng cũng có thể sẽ kiểm tra bạn qua một bài test viết slogan, một kịch bản TVC (Television Video Commercial – lược dịch là video quảng cáo) hoặc một câu headline nào đó v.v.. Bài test của tôi là 3 slogan cho một cái print ad về thuốc tây và một kịch bản TVC về condom.
3. Có không những đam mê bất tận?
Kết thúc buổi phỏng vấn, nhận thấy tôi vẫn chưa chắc chắn với sự lựa chọn của mình, anh MD nói với tôi, “Anh thấy em có đầy đủ năng lực, và tố chất của một người làm copywriter. Thôi đừng mộng mơ nữa, phải mất bao nhiêu năm chuẩn bị nữa em mới dấn thân vào nghề này? Không bắt đầu thì còn mộng mơ đến bao giờ? Hãy bắt đầu, hãy dấn thân, hãy hành động, đừng đợi chờ.. Quan trọng là em có tin là mình làm được hay không?”.
Bạn đừng đợi đam mê tới rồi mới làm, làm đi, rồi đam mê sẽ tới.
Bạn đừng đợi cơ hội tới rồi mới làm, làm đi rồi cơ hội sẽ tới.
Bạn đừng đợi tài giỏi rồi mới làm, làm đi, rồi bạn sẽ tài giỏi.
Bạn đừng sợ và không làm, bạn làm đi, không làm gì mới là thứ đáng sợ nhất.
Bạn còn đợi bao lâu nữa, thôi đừng mộng mơ nữa, cứ can đảm dấn thân thôi.
Bạn sẽ không thất bại, thất bại là không làm gì cả.
Muốn được hoa hồng, thì phải biết chịu đau vì gai.
Muốn được người đẹp, hãy giành lấy giang sơn để đổi lấy người đẹp.
Bạn muốn giang sơn hay người đẹp? Tùy bạn thôi, đã ai nói với bạn là bạn có thể có cả hai chưa?
Đánh “liều” với đam mê, thay vì có thể làm công việc cũ với sự an toàn cao? Đời mà, cứ trải nghiệm thôi, cứ dấn thân thôi, người đẹp rồi cũng sẽ tới, giang sơn rồi cũng sẽ có. Bạn sẽ nói với người đẹp rằng, “Đây là giang sơn anh theo đuổi đam mê mà có được, em có biết, tình yêu là một loại đam mê, và em là đam mê cả đời anh”.