Viết quảng cáo – những sai lầm dễ gặp?

Khi viết quảng cáo, bạn có bao giờ băn khoăn xem những gì mình viết đã đúng, đã chuẩn, đã hoàn thiện hay không chưa? Hãy thử cùng theo dõi bài viết để xem những sai lầm dễ gặp nhất khi viết quảng cáo là gì nhé!

  • Học viết quảng cáo khoá học Copywriting Foudation
  • Cách đặt tiêu đề bài viết hay và hiệu quả
  • Copywriter – Anh là ai?
  • Copywriting – Hiểu đúng, hiểu sâu để bắt đầu

Tôi đang nhắc đến hai chứ “sai lầm”. Đúng vậy, dù cho bạn đang tập tành viết quảng cáo, hoặc bạn đã làm quảng cáo lâu năm, cũng không tránh khỏi hai chữ “sai lầm” hết sức đáng ghét. Kỳ này, Markus sẽ chỉ ra 7 sai lầm cơ bản rất hay gặp khi viết quảng cáo.

1. Thiếu tiêu đề hoặc tiêu đề vô nghĩa

Đây chính là sai lầm khó tha thứ nhất trong viết quảng cáo.

Không phải ngẫu nhiên mà Victor O. Schwab dành đến gần 40 trang trong cuốn sách “Nghệ Thuật Viết Quảng Cáo” của mình chỉ để nói về một câu tiêu đề, và Joe Vitale cũng sẽ không rảnh hơi đâu thống kê cho bạn 30 kỹ thuật để viết tiêu đề quảng cáo trong cuốn sách của ông.

Bạn thử quan sát thói quen đọc báo của chính mình thì thấy: chẳng phải động tác đầu tiên của bạn sẽ là lướt qua các tít, tiêu đề hay đề mục đó sao? Tôi cam đoan 100% là bạn sẽ không đọc hết tờ báo, mà bạn chỉ dừng lại ở những tiêu đề nào thực sự “giật gân” hoặc lôi cuốn bạn.

Lời khuyên tốt nhất của tôi dành cho bạn là, mỗi khi bạn bắt đầu viết một mẩu quảng cáo, hãy nhớ đến câu nói bất hủ của huyền thoại ngành quảng cáo David Ogilvy:

“Tiêu đề là thành phần quan trọng nhất của hầu hết các mẩu quảng cáo… Tính trung bình, số người đủ kiên nhẫn đọc hết toàn bộ mẩu quảng cáo chỉ bằng một phần năm số người chỉ đọc tiêu đề.”

2. Đầu voi đuôi chuột

Bài quảng cáo của bạn có thể rất hay, chiến dịch quảng cáo rất hoành tráng, website bán hàng rất ấn tượng, nhưng tất cả mọi công lao thuyết phục khách mua hàng của bạn sẽ đổ xuống biển nếu thiếu phần kết: một lời kêu gọi mua hàng chắc chắn và rõ ràng.

Kêu gọi phải đi kèm với sự chia sẻ. Chia sẻ, chia sẻ và không ngừng chia sẻ giá trị – một động từ mà mọi nhà quảng cáo nào đều phải khắc cốt ghi tâm.

Một ví dụ hữu ích dành cho những ai đang kinh doanh online, làm website bán hàng và thiết kế nút bấm mua hàng:

Thay vì ghi ba chữ “Bấm vào đây” một cách vô hồn và thô lỗ, hãy ghi “Sở hữu sản phẩm ngay hôm nay!”

Thay vì chỉ ghi hai chữ “Đăng Ký”, hãy ghi “Tham gia khóa học miễn phí ngay hôm nay!”

Kết thúc hiệu quả nhất cho bài quảng cáo chính là một lời kêu gọi mua hàng thẳng thắn và rõ như ban ngày. Đừng quên cho vào những động từ khô khan của lời kêu gọi những danh từ có giá trị để tăng giá trị họ nhận được khi click vào.

3. Bội thực giá trị

Nếu bạn chia sẻ nhiều quá mức cần thiết nhưng nội dung không có gì hấp dẫn hay tạo sự hào hứng cho khách hàng, sẽ khiến cho khách hàng phát ngán, bỏ đi trước khi đọc xong bài quảng cáo. Rủi ro này cao hơn nếu viết quảng cáo trên Internet. Thống kê cho thấy phần lớn người lướt web đều có thói quen đọc nhanh, đọc lướt và rất dễ nản với những bài viết dài.

Sai lầm này liên quan đến một khái niệm vô cùng nhạy cảm và khó nuốt trong quảng cáo: Độ dài bài quảng cáo cỡ bao nhiêu là ổn? Vấn đề này phụ thuộc vào từng trường hợp nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là: những giá trị bạn đang đem đến cho khách hàng nó có đủ hấp dẫn không? Cách bạn viết có đủ lôi cuốn để họ đọc hết những gì bạn viết ra hay không? Viết ngắn mà hay còn hơn viết dài viết dai mà dở.

Cách tốt nhất để tránh khách hàng của bạn bị bội thực là hãy cho họ ăn những món ăn ngon nhất, đừng bắt họ ăn hết tất cả những món ăn bạn đang có trong một bữa. Ăn nhiều sẽ ói ra, hiển nhiên!!!

4. Quá keo kiệt giá trị

Nếu tác phẩm “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo chỉ dăm ba câu cho có, liệu ông có thuyết phục nổi cả một đoàn quân hàng vạn người lấy lại nhuệ khí để đi đánh giặc bảo vệ Tổ quốc?

Các bài kinh Phật dùng để dạy chúng sinh sống tốt và lương thiện, có bài kinh nào ngắn vài ba câu không?

Với mấy vị chính trị gia, như tổng thống Mỹ Obama chẳng hạn, để thuyết phục dân chúng bình chọn cho mình, bạn nghĩ họ đã mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc, và số bài diễn văn để trở thành tổng thống? Chắc chắn là không ít, thậm chí không đếm được.

Thuyết phục khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cũng tương tự. Bạn trình bày quá ngắn và không chia sẻ được những thông tin quan trọng, khách hàng không lĩnh hội hoặc cảm nhận hết những giá trị hoặc công dụng sản phẩm, thì làm sao họ dám quyết định mua hàng? Rủi “tiền mất tật mang” thì sao?

5. Thuyết phục khách hàng bằng “tiếng Bản xứ”

Bạn có thể nghĩ đây là chuyện đương nhiên. Viết quảng cáo cho người Việt thì dùng tiếng Việt, cho người Mỹ thì dùng tiếng Anh,… Vấn đề tôi đang nói đến thực ra tinh tế hơn bạn nghĩ: viết quảng cáo bằng chính Ngôn Ngữ của khách hàng.

Bạn viết quảng cáo dành cho đối tượng khách hàng bình dân đại chúng, dùng từ ngữ thông thường, dễ hiểu, càng đơn giản rõ ràng càng tốt, hạn chế tối đa những thuật ngữ khoa học hay thuộc chuyên ngành phức tạp.

Viết quảng cáo cho đối tượng tuổi teen là một việc khá là đau đầu. Đối tượng này có đặc thù là thích sử dụng ngôn ngữ nhí nhảnh, quái chiêu, với hàng loạt các từ ngữ chế. Bạn muốn quảng cáo thành công với những khách hàng này, hãy học sử dụng ngôn ngữ của họ.

Trái lại, viết quảng cáo cho những đối tượng trí thức văn phòng hay người lớn tuổi, hay viết cho những sản phẩm có độ tinh tế cao, bạn cần phải rõ ràng và nghiêm chỉnh, vì họ là những khách hàng khó tính, sẵn sàng đánh giá con người bạn để chọn mua sản phẩm.

Tương tự, người miền Bắc có nước chè thì người miền Nam có nước trà; người miền Bắc có con lợn thì người miền Nam có con heo. Bạn không thể ra ngoài Bắc quảng cáo thịt heo mà bắt người ta phải hiểu bạn nói gì.

6. Ông nói gà bà nói vịt

“Ông” ở đây là nội dung, hay phần chữ trong quảng cáo, còn “bà” chính là hình ảnh minh họa. Mọi người cũng biết rồi đây, hai vợ chồng sống với nhau mà mỗi người mỗi ý và đề cao cái tôi của bản thân thì tất yếu “cơm không lành, canh không ngọt”, thậm chí tan cửa nát nhà. Mẩu quảng cáo của bạn cũng tương tự…

Ví dụ dễ thấy nhất chính là quảng cáo thời trang: Liệu bạn có chịu chi tiền mua một bộ trang phục nếu nhà sản xuất chỉ chụp cái quần, cái áo hay món phụ kiện đó một cách trống không mà không có người mẫu thể hiện, khiến bạn không biết mình mặc vào có đẹp hay không?

Đây chính là lý do vì sao nghề người mẫu ra đời, và cũng là lý do vì sao 100% các cửa hàng quần áo đều phải sử dụng búp bê hoặc mannequin.

Ý tưởng quảng cáo của bạn dù có hay đến đâu, bạn có viết hấp dẫn thế nào mà bạn không thể minh họa nó cho khách hàng hiểu thì cũng chỉ là đồ bỏ đi mà thôi.

Đấy là lí do tại sao các copywriter luôn phải làm việc cùng với art director. Người viết nội dung, người làm hình ảnh. Cặp song kiếm hợp bích này mà không “tâm đầu ý hợp” với nhau thì quảng cáo thất bại là điều chắc chắn.

7. Không kiểm tra, chỉnh sửa, và thực nghiệm mẫu quảng cáo

Đây xứng đáng là sai lầm Khó-tha-thứ-nhất vì nó quá căn bản và cực kì quan trọng. Kiểm tra và chỉnh sửa, ai cũng ý thức được và luôn làm. Tuy nhiên việc thực nghiệm mẫu quảng cáo thì không phải ai cũng làm được nhé!

Bạn phải nhớ rằng, đối với dân quảng cáo và marketing, đi kèm với việc kiểm tra, chỉnh sửa và hoàn thiện mẩu quảng cáo chính là Quảng Cáo Thực Nghiệm: thử nghiệm tính hiệu quả của mẩu quảng cáo trước khi bỏ tiền để chạy chiến dịch quảng cáo thật.

Các chiến dịch quảng cáo trên báo đài ngày nay đều tốn kém tiền triệu, tiền tỉ. Những người làm quảng cáo và marketing như chúng ta chẳng ai muốn số tiền lớn như vậy hao phí vì những mẩu quảng cáo tồi, với những lỗi sai vô cùng cơ bản. Việc thử nghiệm mẩu quảng cáo không những giúp chúng ta đánh giá được khả năng thành công của nó, mà còn giúp chúng ta tránh được những sai lầm chết người do chủ quan.

Chúc bạn tránh khỏi 7 lỗi sai cơ bản này và có những mẩu quảng cáo thật hiệu quả nhé! Ngoài ra, khóa học Copywriting của chúng tôi sẽ cung cấp thêm cho bạn những cách xoay sở với những lỗi này.