Sales Supervisor – Tôi đã vào Unilever như thế nào?

Ngay từ thời đại học, được tham gia các chương trình Management Trainee luôn là mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường, trong đó có tôi. Các công ty quốc tế từ FMCG (Unilever, P&G, BAT, Massan, Nestle) hay Logistic (Maesrsk) đều có Leadership Programs riêng.

Do đây là bài viết đầu tiên về series nghề nghiệp, tôi chỉ xin chia sẻ tình yêu của tôi với Unilever (chúng tôi quen miệng gọi là U), đặc biệt là bộ phận Customer Development (Sales) .

Ở Unilever có 02 chương trình lớn cho các bạn mới ra trường hoặc ít hơn 1 năm kinh nghiệm, đó là Unilever Fresh Program (UFresh) và Unilever Future Leader Program (Management Trainee – MT).

Vậy, sự khác nhau giữa 02 chương trình này là gì?

Kinh nghiệm vượt qua các vòng ứng tuyển đối với chương trình CDF – Customer Development Fresh hoặc Mid-Career (các bạn từ công ty khác nhảy sang)

1, Vòng 1: Kiểm tra aptitude test trực tuyến hoặc tại văn phòng công ty

Kinh nghiệm của mình, người đạt điểm cao nhất trong số hơn 30 bạn cùng thi: Đó là bạn nên có chút kiến thức về kế toán/tài chính HOẶC GMAT (Graduate Management Admission Test).

Bạn có thể tìm thêm thông tin về các dạng bài kiểm tra tuyển dụng của Big 4 các đường dẫn sau:

CEB’s SHL

Saville

Talent Q

Kenexa

Cubiks

a. Numerical Reasoning Test: để đánh giá kỹ năng quản lý Chương trình khuyến mại, thực hiện giải quyết Bảng giá liên quan đến kỹ năng quản lý kho

Link tham khảo: http://www.numericalreasoningtest.org/

b. Verbal Reasoning Test: tương đối giống Critical Reasoning

Link tham khảo: http://www.verbalreasoningtest.org/

c. Logical Reasoning Test: kiểu dạng thi IQ nhưng là đọc các ý sắp xếp lại cho logic chứ không phải nhìn hình vẽ

Link tham khảo: http://www.iq-test.com/logical-reasoning-test.php

Đề tương đối khó và phải làm trong áp lực thời gian. Đối với CDF thì không yêu cầu tiếng Anh nên đề sẽ là tiếng Việt, bạn có thể tìm hiểu nguồn đề tương tự.

2, Vòng 2: CD-Training hoặc HR-Manager phỏng vấn sơ bộ

Sau khi xem xét các ứng viên vượt qua vòng aptitude test, CD-Training hoặc HR Manager sẽ phỏng vấn ứng viên để tìm hiểu xem tính cách, những câu hỏi về tổng quan của ngành? Ứng viên có năng động? Có chấp nhận đi công tác xa không?

Để vượt qua vòng này thì theo quan điểm của mình thì bạn có thực sự quyết tâm (đối với các bạn chưa biết nhiều về ngành) và network tốt (để học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước). Một trong những câu hỏi mình nghĩ các bạn cần chuẩn bị, đó là câu hỏi về sự cam kết lâu dài với công việc. Mình đã được chị Trang – HR Manager hỏi : “Em có chắc với chị nếu em có cơ hội được làm việc tại Unilever, em sẽ làm ở đây 10 năm không?”.

Dù chỉ là câu hỏi có/không nhưng đây thực sự là câu hỏi khó với mình. Câu trả lời của mình đương nhiên là “Có! Mục tiêu của em làm việc tại Unilever là để phát triển bản thân. Em sẵn sàng làm việc tại Unilever 10 năm, và em tin chắc mình sẽ cống hiến được rất nhiều cho Unilever. Qua đó, em tin mình sẽ phát triển tại Unilever.”

3, Vòng 3: Nhận bài tập thị trường và thuyết trình nhóm

Tại vòng thi này, ứng viên sẽ nhận được một bài tập tình huống liên quan đến thị trường của một nhà phân phối (NPP). Ứng viên sẽ được lựa chọn một khu vực để đi khảo sát ý kiến khách hàng, chất lượng dịch vụ của NPP… qua đó đưa ra giải pháp tăng doanh số cho NPP đó. Thực tế, đối với vòng thi này, các anh chị chỉ kiểm tra khả năng học hỏi, sự nhiệt tình, và kỹ năng phân tích của ứng viên, và cũng qua đó, nắm bắt được thị trường của các NPP. Chứ việc đưa ra giải pháp đối với những người chưa bao giờ tiếp xúc với nghề như các bạn sinh viên mới ra trường thì thực sự là khó

Ban ngày nhóm mình đi thị trường những lúc rảnh rỗi, tối làm việc nhóm với nhau trong vòng 1 tuần liền, không nghỉ ngày nào. Mỗi ngày (mình và thằng bạn cùng nhóm) hai thằng đi phỏng vấn 10 cửa hàng, cụ thể chi tiết. Cứ mỗi ngày trôi qua là một ngày bọn mình mở rộng thêm góc nhìn mới về ngành hàng tiêu dùng nhanh nói chung và công ty Unilever nói riêng. Bọn mình cũng bắt đầu thuộc sản phẩm của Unilever và các đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc.

Cuối cùng, ngày thuyết trình nhóm cũng đã đến. Trong 3 nhóm thuyết trình thì nhóm mình là nhóm thuyết trình đầu tiên và tốt nhất. Ban giám khảo là Branch Manager, CD Training và các ASM. Win!

4, Vòng 4: Phỏng vấn với Branch Manager

Đến được vòng này thì 99% bạn đã chính thức trúng tuyển tại Unilever. Việc phỏng vấn với Branch Manager là cơ hội để bạn show ra mong muốn và nguyện vọng phát triển tại Công ty. Branch Manager sẽ tư vấn cho bạn career roadmap tại công ty, sau này bạn muốn vươn lên vị trí nào, tại phòng ban nào… Bạn yên tâm, các anh/chị sẽ luôn nhớ được những mong muốn và nguyện vọng này của bạn.

Đối với nhóm mình, vòng phỏng vấn với Brand Manager được thực hiện ngay sau vòng teamwork vì hôm đó trưởng ban giám khảo là Branch Manager rồi. Do đó, ngoài Branch Manager, bọn mình cũng có cơ hội thể hiện mong muốn với các anh ASM và CD-Training.

Vậy là đã vượt qua giai đoạn thi tuyển vào Unilever. 6 tháng đầu tiên làm việc tại Unilever sẽ là “một cuộc sống màu hồng nhưng đầy gian nan thử thách”.