Startup muốn sản phẩm “Viral” hãy học Pokemon Go

Đa số Startup đều tham vọng sản phẩm có khả năng viral cao ngay từ đầu mà không cần đổ quá nhiều chi phí marketing. Pokemon Go đã xuất sắc giải được bài toán này khi chỉ sau thời gian ngắn trình làng đã được cả thế giới nhắc tên. Những nguyên nhân tạo nên yếu tố viral của tựa game này rất đáng để Startup học hỏi.

Sản phẩm “Viral” là sản phẩm có khả năng khuyến khích một bên khác chủ động lan truyền miễn phí nội dung tiếp thị, quảng cáo đến những người khác, cứ như vậy người này sang người kia theo cấp số nhân. Việc tạo ra sản phẩm có khả năng “viral” sẽ giúp Startup tiết kiệm chi phí marketing và đạt được mốc tăng trưởng nhảy vọt. Pokemon Go là một trong những cái tên hiếm hoi đã thành công trong việc xây dựng sản phẩm viral, tạo nên làn sóng “bắt Pokemon” khắp mọi nơi. Minh chứng là có tới  5,982,616,734 số hashtag “#PokemonGo” trong tuần đầu tiên trên AppStore, 30,000,000 số lượng download trò chơi tính đến ngày 19/7/2016 và 1,219,740 là số lượt like trang facebook chính thức của Pokemon Go tính đến 22/7/2016. Sau đây sẽ là những bài học từ cách làm sản phẩm viral của Pokemon Go mà Startup có thể ứng dụng.

  1. Gắn liền sản phẩm với các yếu tố gợi nhớ tuổi thơ, quá khứ

Một người bình thường phải tiếp cận rất nhiều thông tin trong một ngày nên thật khó để họ ghi nhớ được một sản phẩm mới. Nhưng nếu sản phẩm của bạn có tên hoặc đặc điểm nào đó gợi nhớ tuổi thơ thì nhiều người sẽ chủ động sử dụng vì thân quen và tò mò. Tuổi thơ lại luôn gắn liền với những người bạn nên khả năng cao họ sẽ giới thiệu cho bạn bè cùng sử dụng. Vậy nên, trong giai đoạn hình thành ý tưởng bạn hãy cố tìm hiểu xem điều gì gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, liệu có thể tận dụng làm ý tưởng kinh doanh hay không?.

Pokemon là cái tên đã bén rễ vào ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ từ cách đây 20 năm nhờ bộ phim hoạt hình, loạt game và bộ truyện tranh cùng tên. Các nhân vật, cách chơi trong game cũng được xây dựng dựa trên nguyên bản tạo cảm giác thân quen cho người chơi. Người ta kháo nhau đi bắt Pokemon có lẽ cũng vì muốn ôn lại kỷ niệm tuổi thơ cùng bè bạn. Cũng như Cộng Cafe tái hiện lại không gian thời bao cấp của Việt Nam, khiến mỗi khách hàng bước vào đều như được lạc về chốn cũ với những ly, cốc, chăn con công, mũ lính và khẩu hiệu thời chiến vang bóng một thời. Hay nổi đình đám như Instagram cũng không thể bỏ qua filter gam màu retro, vintage cổ điển gợi nhớ bao giá trị văn hóa của những thế kỷ trước.

Đối với những Startup đã có sẵn sản phẩm cũng có thể áp dụng lời khuyên này bằng cách vận dụng các yếu tố gợi nhắc những điều thân thuộc trong quá thứ khi làm marketing. Ví dụ, thương hiệu bán trang sức bạc có thể thiết kế những mẫu quảng cáo mang phong cách Việt Nam thời xưa với những cô gái mặc áo dài, cổ đeo vòng bạc duyên dáng để gây ấn tượng với khách hàng. Rõ ràng, những gì đã từng ăn sâu vào tiềm thức luôn khiến con người dễ dàng rung động và chia sẻ với nhau hơn cả.

hoc-Pokemon-Go-cach-lam-san-pham-viral
Bức ảnh mang tên “Hà Nội, Sài Gòn 1990s” nằm trong bộ ảnh quảng cáo trang sức truyền thống kết hợp hiện đại của Grace Jewelry

 

hoc-lam-san-pham-viral-nhu-Pokemon-Go
Một Poster quảng cáo trang sức của Grace Jewelry mang hơi thở thời bao cấp với front chữ cổ điển nổi bật trên màu giấy cũ và cách viết dân dã, gần gũi
  1.      Tạo sản phẩm có sự gắn kết cộng đồng

Điều gì sẽ khiến khách hàng phải truyền tai nhau về câu chuyện thương hiệu của bạn? Đặc tính sản phẩm có gì khiến khách hàng phải chia sẻ, thậm chí là sử dụng cùng bạn bè? Liệu có cách nào để sản phẩm có thể kết nối những người hoàn toàn xa lạ với nhau? Trả lời được những câu hỏi này, Startup sẽ đến gần hơn với mục tiêu tạo ra sản phẩm viral nhanh chóng nhờ khả năng gắn kết cộng đồng.

Với Pokemon Go, người chơi không thể ngồi yên một chỗ mà phải di chuyển để tìm kiếm và thu phục các nhân vật game. Hiệu ứng Domino xuất hiện khi một số lượng lớn người di chuyển theo một luồng thì số còn lại sẽ tò mò nhập cuộc vui. Hơn nữa, việc người chơi phải kết hợp với nhau thành đội nhóm để bắt pokemon lại càng gia tăng thêm sự gắn kết cộng đồng, từ đó nhân bản lượng game thủ lên gấp nhiều lần. Một kịch bản tương tự đã từng xảy ra với trò Candy crush sage khi quyền gọi cứu trợ từ bạn bè đã giúp lượng người chơi gia tăng đột biến. Nhưng Pokemon Go lại cao tay hơn khi không bắt người chơi mời bạn bè, mà khiến họ phải chủ động chụp ảnh màn hình rồi chia sẻ lên Facebook. Khi nhà nhà, người người đăng ảnh như vậy sẽ tạo thành làn sóng thu hút nhiều người chơi hơn.

Việc xây dựng một cộng đồng cùng chung mối quan tâm, sở thích và muốn chia sẻ cùng nhau cũng sẽ đem lại hiệu ứng “viral” khá tốt. Foody đã tạo dựng thành công cộng đồng thích chia sẻ các địa điểm ăn uống bằng cách khiến họ cảm thấy được chú ý, được khẳng định khi hiển thị rõ lượng xem, thảo luận trên mỗi bài review.

hoc-lam-san-pham-viral
Một bài Review của người dùng trên Foody được 106 lượt xem

Ella study, một nền tảng online giúp sinh viên tìm kiếm thông tin du học nhờ sự tư vấn của hội cựu du học sinh cũng có thể vận dụng yếu tố gắn kết cộng đồng để thu hút người dùng. Cụ thể, nhóm phát triển có thể cân nhắc bổ sung thêm tính năng giúp người dùng kết bạn với những người ở cùng trường học hoặc nơi sinh sống. Rất có thể yếu tố này sẽ khiến nhiều sinh viên sử dụng Ella hơn vì mong muốn kết nối với những người apply cùng trường với mình để tiện trao đổi thông tin. 

  1.   Tận dụng sức mạnh của báo chí

Startup muốn tiết kiệm chi phí marketing nên tạo ra sản phẩm có những câu chuyện bên lề, khiến báo chí phải chủ động nhập cuộc bàn tán. Nhiễm nhiên, gánh nặng truyền thông của Startup cũng được giảm đáng kể nhờ vào những tin tức được đưa miễn phí.

Kể từ ngày trình làng, Pokemon Go luôn xuất hiện dày đặc với nhiều câu chuyện hài hước như : “Thủ tướng Israel cũng chơi Pokemon Go, Ngàn lẻ chuyện éo le khi bắt Pokemon”… cho đến những tin giật gân như : “Cấm chơi Pokemon Go trong chùa, Hàng loạt nước cấm chơi Pokemon Go” hay chỉ cần search từ khóa Pokemon Go trên Google đã cho ra tới  241,000,000 kết quả…Ngoài ra, khách hàng mục tiêu còn được tiếp xúc với  những bài báo hướng dẫn cách chơi Pokemon Go và tổng hợp địa điểm có nhiều Pokemon. Nguyên nhân khiến báo chí ồ ạt đưa tin về Pokemon Go nằm ở cách chơi tương tác với cuộc sống thực khiến game trở nên thú vị và có nhiều điều đáng bàn. Dù đó có là những tin tức về tai nạn, cướp của hay những lợi ích cho sức khỏe của Pokemon thì đều là bệ phóng để trò chơi được nhiều người biết đến hơn. Điều này cũng được kiểm chứng bởi Flappy Bird khi tràn ngập mặt báo về câu chuyện  các game thủ phát điên vì không thể phá đảo một trò chơi đơn giản. Thậm chí riêng tại Việt Nam, đầu năm 2014, Flappy Bird đã đứng số một trong bảng xếp hạng những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Báo cứ đưa tin còn lượng download game cứ vậy mà tăng đều đều.

hoc-lam-san-pham-viral-nhu-Pokemon-Go
Khi tìm kiếm từ khóa Pokemon Go trên Google cho ra 241.000.000 kết quả trong 0.68s

Nếu sản phẩm không có nhiều điều để báo chí bàn tới thì câu chuyện về người lãnh đạo nếu đủ hấp dẫn cũng sẽ khiến giới truyền thông chú ý. Tất nhiên,  nhà sáng lập phải có một bảng thành tích đáng nể hoặc không có gì nổi bật nhưng bỗng nhiên bứt phá hoặc dám làm những chuyện kỳ quặc. Năm 2012, người ta xôn xao bàn tán về câu chuyện người Việt mua thị trấn Mỹ với giá 900.000$ và mở hàng cafe Việt ngay trên đất Hoa Kỳ. Đó chính là ông Phạm Đình Nguyên với tách cafe Phindeli đã tốn biết bao giấy mực của báo chí. Chưa biết chất lượng cafe ra làm sao, người ta lại tò mò nhiều về tinh thần dám nghĩ dám làm của người chủ hơn cả. Thương hiệu sản phẩm vì thế mà được dịp ăn theo, từ tò mò dẫn đến dùng thử và nếu chất lượng đủ tốt sẽ nhiễm nhiên dẫ đến sự trung thành.

    4.   Tạo ra làn sóng “ăn theo”

Cái khó của một Startup là tạo ra một sản phẩm khiến những bên-không-liên-quan tự nguyện truyền thông hộ. Điều này chỉ có thể xảy ra khi sản phẩm của bạn không hề cạnh tranh trực tiếp mà lại cùng chung tập khách hàng với họ như trường hợp của Pokemon Go và những bên kinh doanh dịch vụ. Rất nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cafe… chẳng thể làm ngơ cơ hội hốt khách này khi thấy cơ số khách hàng tiềm năng của mình đang săn lùng địa điểm có Pokemon. Ngay lập tức, họ khoe trên các kênh truyền thông bộ sưu tập Pokemon tại quán mình để hút khách. Nghiễm nhiên, đội ngũ Pokemon Go nhờ vậy mà nhẹ gánh làm marketing hơn khi thương hiệu được quảng bá miễn phí trên nhiều kênh khác nhau.

startup-muon-san-pham-viral-hoc-Pokemon-Go
DIY Box, xưởng đồ da cafe tại Đội Cấn đăng hình ảnh bắt Pokemon ngay tại quán

Elsa, một ứng dụng luyện phát âm tiếng anh đã được các giáo viên truyền thông rất nhiệt tình sau khi Startup này vượt qua gần 1200 đối thủ trên toàn thế giới dành giải Nhất SXSWedu Launch – cuộc thi hàng đầu dành cho các start-up về giáo dục. Rõ ràng, khi Startup của bạn tạo ra giá trị cho một bên nào đó cùng tập khách hàng thì họ sẽ chủ động nói về sản phẩm của bạn để được khách hàng chú ý hơn.

  1. Tung sản phẩm đúng thời điểm

Nhiều Startup đã phải điêu đứng khi sản phẩm tốt, mọi thứ khác cũng được chuẩn bị kỹ càng nhưng khi ra mắt lại nhận về những cái nhìn thờ ơ từ khách hàng chỉ vì chọn sai thời điểm ra mắt sản phẩm. Việc thị trường chưa chào đón sản phẩm có thể do bị chi phối bởi các nhân tố như thị hiếu chưa thay đổi, thời tiết chưa phù hợp, xu hướng vẫn chưa tới, thế sự không ủng hộ… Điều này đòi hỏi Startup phải có tầm nhìn, khả năng đánh giá tình hình tốt cũng như thấu hiểu tâm lý khách hàng để biết khi nào là “giờ hoàng đạo” tung sản phẩm.

Pokemon ra mắt ngay đầu mùa hè và đến giữa mùa hè (6/7) thì chính thức đổ bộ lên các store. Đây là thời điểm mà đa phần học sinh, sinh viên_nhóm khách hàng mục tiêu của Pokemon Go đang trong giai đoạn nghỉ hè, có xu hướng tìm một trò tiêu khiển hoặc đi chơi xa. Pokemon Go lại có khả năng kéo người chơi ra khỏi nhà và lang thang khắp nơi, thỏa mãn nhu cầu giải trí ngoài trời của nhiều người. Giả sử được trình làng vào mùa đông, khi mà ở các xứ lạnh người người đều hạn chế ra ngoài thì có lẽ bây giờ chẳng mấy ai biết Pokemon Go là trò gì.

Pokemon-Go-5
Hình ảnh các em học sinh cùng nhau đi bắt Pokemon

Thêm một thời điểm vàng nữa là năm 2016 chính là dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 20 năm ra đời Pokemon với 73 games, 18 phim liên quan và 718 loài Pokemon. Nhiễm nhiên, khi Pokemon Go trình làng chắc chắn sẽ nhận được nhiều thiện cảm từ cộng đồng yêu thích Pokemon. Ngoài ra, 2016 cũng thời điểm ứng dụng thực tế ảo AR đang là xu hướng nên việc tương tác với cuộc sống bên ngoài càng khiến Pokemon Go trở thành một “món ăn lạ” hấp dẫn nhiều người.

Nếu đánh giá một cách khách quan thì hiện tại ở Việt Nam đang là thời điểm nhạy cảm của các vấn đề liên quan đến môi trường, đổi mới khoa học kỹ thuật, tiết kiệm nhiên liệu và thực phẩm hữu cơ. Nắm bắt được cơ hội này,  RoboFarm, một Startup Việt đã lấy ý tưởng từ Farmbot trên trang Techcrunch.com để sáng tạo ra chú rô-bốt trồng cây có tốc độ gieo hạt và tưới cây nhanh gấp nhiều lần so với phương pháp gieo hạt truyền thống. Khi việc làm nông phải tiếp xúc với các chất hóa học độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hiệu quả lao động cũng không được cao thì việc ứng dụng robot hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng xanh trong tương lai. Có thể thấy, Robofarm là một Startup triển vọng khi biết nắm bắt thời cuộc, nhìn rõ các vấn đề của nông nghiệp và đưa ra giải pháp có tính ứng dụng cao.

Với đặc thù của Startup là vốn mỏng, kinh nghiệm ít mà lại muốn sản phẩm viral nhanh thì những chiêu Marketing từ Pokemon Go quả thực rất đáng học tập. Một cái tên quen thuộc, sản phẩm có sự gắn kết cộng đồng, tận dụng sức mạnh báo chí, tạo ra làn sóng ăn theo và bung đúng thời điểm đều là những bí kíp hay khiến sản phẩm dễ dàng viral mà Startup nên bỏ túi.

 Để tìm hiểu các bài học Marketing của Startup, Markus có vài cách sau dành cho bạn:

  • Đọc thật nhiều case study của đối thủ
  • Kết bạn với nhóm đội tượng khách hàng mục tiêu
  • Nghiên cứu phân tích website/fanpage của bạn
  • Tham gia ngay khóa học Marketing Thinking để nắm rõ quy trình viral marketing và rèn luyện lối tư duy, nghiệp vụ mà một Marketer thực thụ cần